VFF và chiếc ghế trống ông chủ tịch

Không lâu sau ngày ăn mừng chiến thắng tại Đại hội VFF khóa VII, Chủ tịch Lê Hùng Dũng thường xuyên vắng mặt ở VFF vì lý do sức khỏe khiến tổ chức này rơi vào tình cảnh “rắn mất đầu”. Ảnh: VSI
Không lâu sau ngày ăn mừng chiến thắng tại Đại hội VFF khóa VII, Chủ tịch Lê Hùng Dũng thường xuyên vắng mặt ở VFF vì lý do sức khỏe khiến tổ chức này rơi vào tình cảnh “rắn mất đầu”. Ảnh: VSI
TP - Một ngày, ông chủ tịch vắng mặt vì lý do sức khỏe. Các phó chủ tịch nhìn nhau, bóng đá Việt Nam không biết trông đợi vào đâu trong khi ngành thể thao mãi loay hoay chưa giải xong bài toán nhân sự cho VFF.

Ông Lê Hùng Dũng lên nắm giữ vị trí Chủ tịch LĐBĐVN (VFF) trong bối cảnh bóng đá Việt Nam chạm tới đáy sau một giai đoạn dài phát triển lệch lạc. Ở khu vực, bóng đá Việt Nam vừa trải qua 2 kỳ AFF 2010 và 2012 thất bại liên tiếp dưới tay các HLV H.Calisto và Phan Thanh Hùng. Đấu trường SEA Games không khá hơn là bao, khi các chỉ tiêu đặt ra đều không đạt. SEA Games 2013 tại Myanmar, đội tuyển U23 do HLV Hoàng Văn Phúc dẫn dắt đã bị loại ngay từ vòng bảng. Kết quả này đã khiến VFF quay trở lại với phương án thuê HLV ngoại sau 2 năm đặt niềm tin vào các ông thầy nội.


Ở trong nước, giải Vô địch quốc gia V.League chìm trong các nghi án bán độ, móc ngoặc, cùng tình trạng sa sút về tài chính của các CLB. Thực tế trên khiến niềm tin của giới mộ điệu ngày một giảm sút, các sân bóng trở nên thưa thớt khán giả.

BCH VFF nhiệm kỳ VII với nhân tố chính trong thường trực là các doanh nhân như ông Lê Hùng Dũng, thời điểm trên là Chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank, hay Chủ tịch HA.GL Đoàn Nguyên Đức được chờ đợi sẽ đem lại sức bật mới cho liên đoàn.

Không phải xuất thân từ dân bóng đá, nhưng ông Dũng có kinh nghiệm nhiều năm giữ cương vị Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF. Ở cương vị này, ông Dũng tạo được uy tín lớn khi thực hiện rất tốt nhiệm vụ đem tiền về cho liên đoàn, thể hiện qua các bản hợp đồng tài trợ “khủng” cho V.League, các ĐTQG. Trong các năm cuối nhiệm kỳ của nguyên Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, tiếng nói của ông Lê Hùng Dũng ngày càng trở nên có trọng lượng, mang tính chất quyết định ở VFF. Đây là một trong những yếu tố khiến ông Dũng “hút” được phiếu bầu ở cuộc đua đến chiếc ghế Chủ tịch về sau.

Sự “liên danh” với một doanh nhân uy tín như bầu Đức giúp ông Lê Hùng Dũng thêm sức nặng trong cuộc vận động tranh cử. Sau khi Thứ trưởng Lê Khánh Hải từ chối ứng cử do bận nhiều công tác chuyên môn, ông Dũng thẳng tiến tới chức Chủ tịch VFF mà không gặp phải cản trở nào.

Đại hội VFF nhiệm kỳ VII chỉ xảy ra một sự cố nhỏ. Chiếc ghế phó chủ tịch phụ trách truyền thông là cuộc đua giữa đương kim Phó chủ tịch Nguyễn Lân Trung và nhà báo Nguyễn Xuân Gụ. Do một số đại biểu không nắm rõ quy chế, nhiều lá phiếu đã không hợp lệ. Ông Lê Hùng Dũng khi ấy đã đề nghị đại hội cho tiến hành bỏ phiếu lại, nhưng không được chấp nhận. Kết quả kiểm phiếu, ông Nguyễn Xuân Gụ đã vượt qua ông Nguyễn Lân Trung trong sự bất ngờ của nhiều người. Trên bàn chủ toạ, ông Nguyễn Lân Trung thoáng nét bần thần trong khi phía dưới, nhà báo Nguyễn Xuân Gụ, một cựu đại tá quân đội, đưa tay ngang trán, ăn mừng chiến thắng theo đúng kiểu nhà binh.

Sau ngày BCH nhiệm kỳ VII VFF ra mắt, giới truyền thông đã “rỉ tai” nhau lời dự đoán của một quan chức ngành thể thao. Đại khái, “chờ xem cái BCH này làm được bao lâu”. Cho đến thời điểm hiện tại, khi VFF vừa trải qua một giai đoạn xáo xào vì các câu chuyện nội bộ, người ta mới xuýt xoa “khen” lời tiên đoán ngày nào. Những câu chuyện trong nhà của VFF liên tục bị “tuồn” ra ngoài. Dư luận có lúc phải ngạc nhiên khi bỗng thấy xuất hiện trên báo nội dung tin nhắn các quan chức VFF gửi cho nhau. Không ít những lời bóng gió, hoặc chỉ trích thẳng thừng người trong cuộc đưa ra qua nhiều kênh khác nhau.    

__________

    (Còn nữa)

Nội bộ mất đoàn kết ở VFF khiến lãnh đạo ngành thể thao cũng phải lắc đầu lo lắng. Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ trong một dịp trao đổi với truyền thông đã “đính chính” câu chuyện này bằng lời giải thích: “VFF không mất đoàn kết, mà chỉ đoàn kết chưa cao thôi!”.

MỚI - NÓNG