Nhộn nhịp nhưng khó cạnh tranh
Du lịch Việt Nam tiếp tục đón tin vui mùa cao điểm. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2023 đạt hơn 975 nghìn lượt, tăng 6,4% so với tháng 5/2023. Tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 5,5 triệu lượt.
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với du khách Hàn Quốc. Lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam trong tháng 6 tiếp tục tăng so với tháng trước, đạt 284 nghìn lượt. Hàn Quốc duy trì vị trí dẫn đầu các thị trường gửi khách đến Việt Nam, đạt gần 1,6 triệu lượt. Thị trường khách Mỹ được đánh giá giàu tiềm năng, có mức tăng trưởng cao nhất trong tháng 6, với mức tăng 52%.
Khách nội địa trong tháng 6/2023 ước đạt 13,5 triệu lượt, trong đó có khoảng 9 triệu lượt khách lưu trú. Tổng số khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm cán mốc 64 triệu lượt. Nguồn thu từ khách nội ước đạt hơn 340 nghìn tỷ đồng. Du lịch nội địa được dự đoán còn nhộn nhịp hơn sau tháng 6, khi này nhiều gia đình cho con xả hơi sau hai kỳ thi quan trọng. Các doanh nghiệp, cơ quan cũng thường xuyên tổ chức chuyến nghỉ mát cho nhân viên vào tháng 7 và tháng 8 với tâm lý tránh tháng 6 cao điểm.
Cần đa dạng dịch vụ giải trí ở các điểm du lịch. |
Lo ngại giá vé máy bay tăng và tình trạng đông đúc như dịp 30/4, 1/5 vừa qua, nhiều khách nội chuyển hướng, nhắm đến các địa chỉ gần hơn, có thể di chuyển bằng đường bộ. CEO Cty du lịch Wondertour Lê Công Năng cho rằng, giá tua nội địa dịp hè vẫn còn cao do vé máy bay cao. Trong khi đó, tua nội chịu sự cạnh tranh của các sản phẩm quốc tế giá thấp.
“Tua đường bộ Trung Quốc giá chỉ từ 3,9 triệu đồng, hành trình đường bộ Lào, Thái Lan cũng chỉ từ 7 triệu đồng/khách. Những năm trước, du lịch nội chứng kiến sự bùng nổ về gói tua biển đảo 3 ngày 2 đêm đến Phú Quốc, Nha Trang, Mũi Né, Đà Nẵng... vì giá chỉ từ gần 3 triệu bao gồm vé máy bay khứ hồi và phòng khách sạn 4-5 sao. Năm nay không còn mức giá này”, ông Lê Công Năng phân tích. Vé máy bay chiếm từ 40%-60% giá tua, dẫn đến nhiều thời điểm tua nội địa có giá cao hơn tua đi các nước trong khu vực, điển hình như Thái Lan.
Du lịch trong nước không còn là lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách. Ảnh: Trọng Quân |
Dịp hè 2023, du khách quan tâm đến tua biển đường bộ để tiết kiệm chi phí. “Tua Cát Bà (Hải Phòng), Hạ Long, Minh Châu, Cô Tô (Quảng Ninh), Hải Tiến, Sầm Sơn, Hải Hòa (Thanh Hóa)… được đông đảo khách hàng doanh nghiệp lựa chọn. Nếu khách khởi hành từ phía Nam, biển Mũi Né, Tuy Hòa đi bằng đường bộ cũng được lưu tâm”, ông Lê Công Năng cho biết.
Ngày 19/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá sửa đổi, trong đó nhà nước vẫn quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa. Với quy định này, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ tiếp tục ban hành trần giá vé máy bay nội địa như hiện hành.
Chủ tịch Hội hướng dẫn viên du lịch Phú Quốc Trương Công Tâm cho biết, dù có nhiều cuộc họp, hội thảo ở địa phương để tháo gỡ việc giá vé máy bay tăng quá cao, tuy nhiên kết quả không như mong muốn. “Chủ trương về vấn đề này vẫn chưa hợp lý. Giá trần vé máy bay được một số hãng hàng không công bố nhưng không tuân thủ, dẫn tới lũng đoạn thị trường. Điều này khiến giá vé máy bay luôn không ổn định”, ông Tâm nói. Ông cũng đề xuất cần có sự sát sao trong việc quản lý giá vé máy bay để người dân an tâm du lịch.
Điều này cũng dẫn đến sự phân bổ không đồng đều về khách du lịch ở các điểm đến. Có thời điểm, người làm du lịch chứng kiến Phú Quốc đìu hiu trong khi các điểm du lịch khác hưởng lợi và ngược lại. Ông Trương Công Tâm, Chủ tịch Hội hướng dẫn viên du lịch Phú Quốc khẳng định, số lượng khách đến Phú Quốc giảm đáng kể trong năm 2023. “Trong tháng 6, lượng khách đến Phú Quốc tăng so với tháng 5, tuy nhiên không thể so sánh với các năm trước. Lượng khách so với tháng 6/2022 giảm đến 30-40%. Dự kiến khách tháng 7 sẽ tăng nhưng mùa du lịch năm nay lượng khách đến Phú Quốc có thể là thấp nhất”, ông Trương Công Tâm nêu.
“Trong tháng 6, lượng khách đến Phú Quốc tăng so với tháng 5, tuy nhiên không thể so sánh với các năm trước. Lượng khách so với tháng 6/2022 giảm đến 30-40%. Dự kiến khách tháng 7 sẽ tăng nhưng mùa du lịch năm nay lượng khách đến Phú Quốc có thể là thấp nhất”. ông Trương Công Tâm
Nguyên nhân lượng khách giảm đến từ việc giá máy bay “leo thang” ngay đầu hè, gây ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của nhiều gia đình. Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 là cao điểm đặt tua du lịch hè. Thời điểm này, các công ty du lịch, lữ hành tung ra hàng loạt khuyến mãi để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, lượng bán tua nội vẫn thấp bởi giá vé máy bay đắt đỏ.
Đơn vị của ông Lê Công Năng phục vụ nhiều khách đoàn doanh nghiệp với số lượng từ 200 đến trên 500 khách/lượt và ghi nhận tình trạng khan dịch vụ như phòng ở, nhà hàng tại một số điểm đến Cát Bà (Hải Phòng), Hạ Long, Nha Trang, Quy Nhơn… Linh hoạt thay thế dịch vụ tương đương hoặc xử lý tách đoàn trên cơ sở tối ưu chi phí cho khách hàng là giải pháp được ưu tiên trong mùa cao điểm.
Không nên “mạnh ai nấy tăng”
Ngành du lịch vẫn nhấn mạnh khẩu hiệu “cung cấp dịch vụ du khách cần, không chỉ cái chúng ta có”, song hiệu quả thực tế chưa cao. Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam cho rằng, muốn làm du lịch hiệu quả cần thực sự hiểu nhu cầu của du khách để đa dạng hoá các sản phẩm du lịch. “Chúng ta cần thêm những sản phẩm chuyên biệt, phù hợp với thị hiếu của du khách từng quốc gia. Chẳng hạn khách Hàn Quốc quan tâm tới thời trang, mua sắm, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như mát-xa, xông hơi...”, ông Sơn nêu.
Chuỗi liên kết đứt gãy, hệ sinh thái du lịch còn yếu sau đại dịch khiến du lịch Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh. “Các hiệp hội chưa ngồi lại với nhau, phải chăng do tính cấu kết trong cộng đồng chưa mạnh. Khách du lịch cũng không có nhiều lựa chọn về dịch vụ du lịch trong nước. Nhiều địa điểm khách ít nhu cầu nhưng vẫn phải đi theo gói tua. Trong khi đó, nhiều công ty du lịch Hàn Quốc cung cấp cho khách hai lựa chọn: tua du lịch mua sắm hoặc tua không mua sắm”, ông Sơn phân tích.
CEO Lê Công Năng nhấn mạnh, ngoài nguyên nhân về sự chênh lệch trong đầu tư cho truyền thông du lịch, mối liên kết lỏng lẻo giữa các công ty lữ hành và các nhà cung ứng dịch vụ du lịch cũng khiến du lịch Việt Nam thiếu sức hút. “Gần như không có đơn vị nào thể hiện vai trò lĩnh xướng, dẫn dắt cuộc chơi. Ngay cả trong các chương trình hội chợ kích cầu du lịch, sự liên kết, đồng nhất giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cũng rất yếu”, ông Năng chỉ ra.
Nhiều chuyên gia, nhà làm du lịch đề xuất phương án tối ưu chi phí vé máy bay song song với cải thiện hạ tầng lưu trú, tăng cường văn minh du lịch để các điểm đến thêm hấp dẫn. Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Hoàng Nhân Chính nói rằng, cần thêm sự hợp tác, hỗ trợ giữa cơ quan nhà nước và các hãng hàng không khi du lịch vào mùa cao điểm. Du lịch Việt đang thiếu vắng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm định hướng doanh nghiệp lữ hành phát triển đồng đều.