Chiều 19/6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi). Với 8 chương 75 điều, dự án này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024, trong đó Nhà nước vẫn quy định khung giá với vé máy bay, còn mặt hàng thịt lợn không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Trước đó, báo cáo tiếp thu giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về định giá của Nhà nước đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ: Nhà nước định giá tối đa (giá trần) để đảm bảo lợi ích nhân dân; có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi). Ảnh Như Ý. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường hàng không còn mang tính cạnh tranh hạn chế; việc thúc đẩy các loại hình vận tải phát triển đồng bộ, hiện đại còn phải phấn đấu, đặc biệt là khi đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao chưa được triển khai, vận hành.
Khi chưa đánh giá được tác động và hệ quả của việc bỏ quy định về giá trần, để một mặt đảm bảo quyền chủ động của các hãng hàng không, song mặt khác vẫn bảo vệ quyền lợi của người dân thì Nhà nước vẫn cần giữ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa với tính chất là công cụ quản lý nhà nước về giá nhằm bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước trong ổn định thị trường, giữ được cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở căn cứ bối cảnh thực tế, nghiên cứu thận trọng các luồng ý kiến khác nhau, dựa trên nguyên tắc quyết định theo đa số, tại thời điểm hiện nay, UBTVQH xin Quốc hội cho phép quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nêu một số ý kiến đề nghị không đưa mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi và thịt lợn vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; một số ý kiến đề nghị nên bổ sung các mặt hàng này vào trong danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
UBTVQH ý kiến đề nghị bổ sung mặt hàng này đã thể hiện sự quan tâm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung, trong đó có đối tượng yếu thế là người già, trẻ em, phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trên thực tế, hiện nay mặt hàng “sữa dành cho người cao tuổi” có tính chất như một thực phẩm chức năng và xét về mức độ biến động giá, phạm vi ảnh hưởng, tác động thì mặt hàng sữa đối với người cao tuổi không lớn so với mặt hàng sữa dành cho trẻ em; xét về công cụ quản lý, điều tiết của Nhà nước thì trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng quy định tại điểm a khoản 2 điều 20 dự thảo luật.
Đối với mặt hàng thịt lợn, đây là mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cơ bản lớn trong đời sống của người dân đúng như ý kiến ĐBQH đã nêu. Tuy nhiên, UBTVQH nhận thấy, hiện nay tỷ lệ sử dụng thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình có xu hướng giảm trong thời gian gần đầy, chỉ ở mức 40-45% so với mức 65-70% như trước đây.
“Việc áp dụng bình ổn giá đồng nghĩa với việc phải kê khai giá và khó khả thi khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh; giá biến động từng ngày đối với mặt hàng này nên các cá nhân kinh doanh cơ bản sẽ khó thực hiện quy định kê khai giá như dự thảo luật quy định”, ông Mạnh nêu.
Theo quy định hiện hành, mặt hàng thịt lợn không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và thực tế diễn biến thị trường trong thời gian qua cũng không đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đưa vào thực hiện bình ổn giá. Do vậy, tại thời điểm hiện nay, UBTVQH đề nghị không quy định các mặt hàng này tại danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.