Sau 70 năm, một số cán bộ tiền khởi nghĩa, kể về những ngày cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, khí thế hào hùng vẫn còn vang vọng.
Từ khởi nghĩa nên duyên vợ chồng
Tôi tìm về “Thủ đô gió ngàn” ATK Định Hóa vào một ngày giữa tháng 8. Nơi đây đang mang trên mình sức sống mới. Đường về ATK trải nhựa phẳng lỳ. Những ngôi trường, trạm y tế khang trang, điện lưới quốc gia thắp sáng các bản làng dân tộc. Về thôn Kim Tiến, xã Kim Sơn, tôi may mắn gặp được hai cụ Đặng Văn Vinh, Sằm Thị Văn, hai cán bộ tiền khởi nghĩa đã ở tuổi 90. Thật vui, hai cụ đều khỏe mạnh và minh mẫn. Bên bàn nước, cụ Vinh khái quát chặng đời hoạt động cách mạng của mình.
Cụ Vinh sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mất sớm. Từ bé cụ đã vất vả đi ở, làm thuê kiếm sống. Với tính thích đi đây đó, thường xuyên vào rừng hái măng nên từ nhỏ cụ Vinh thông thuộc nhiều đường rừng ở Định Hóa. Với địa thế hiểm yếu về mặt quân sự, lại là nơi những người yêu nước và lực lượng cách mạng sớm gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, từ những năm 1936-1939, nhiều xã trong vùng Định Hóa đã hình thành đội ngũ cốt cán giác ngộ cách mạng. Năm 15 tuổi, cụ Vinh được một người anh trong xã tham gia cách mạng nhờ dẫn đường cho cán bộ ở xuôi lên Định Hóa hoạt động.
“Thấy tôi hồi hộp, Bác chỉ cười và bảo tôi thường cắt cho anh em như thế nào thì cứ cắt cho Bác vậy, không phải cầu kỳ. Nghe giọng nói ấm áp của Bác, tôi lấy lại tinh thần để cắt tóc cho Người. Cắt xong, tôi được Bác khen khéo tay, cắt đẹp. Bác bảo lúc nào tóc dài lại nhờ chú cắt tiếp”.
Cụ Lý Quang Minh
Năm 1940, cụ Vinh gia nhập đội tự vệ cứu quốc, làm nhiệm vụ rải truyền đơn dán áp phích kêu gọi quần chúng tham gia Mặt trận Việt Minh và nuôi giấu cán bộ. Đầu năm 1942, một bộ phận của Cứu quốc quân II mở rộng địa bàn sang Định Hóa hoạt động. Phong trào cách mạng ở Định Hóa lớn mạnh không ngừng. Tháng 3/1945, cụ Vinh cùng lực lượng Cứu quốc quân và tự vệ chiến đấu tấn công chiếm đồn lính khố xanh ở chợ Chu. Định Hóa trở thành nơi giành chính quyền sớm nhất ở Thái Nguyên. Cụ Vinh được giao làm đội trưởng đội tự vệ cứu quốc xã, có nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Khởi nghĩa Định Hóa thành công, cụ Vinh cùng đồng đội tiến quân đánh xuống giải phóng Thái Nguyên. Sau đó, hành quân về Hà Nội. Năm 1946-1954, cụ Vinh được tổ chức bố trí về Hà Nội làm công tác, gây dựng cơ sở cách mạng. Nhiều lần bị giặc Pháp truy đuổi nhưng cụ đã vượt qua hiểm nguy hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngồi cạnh chồng, cụ Sằm Thị Văn cho biết, nhờ đi theo cách mạng mà cụ và cụ Vinh nên duyên. Cụ Văn bảo “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, cụ cũng tham gia cách mạng lúc 14 tuổi. Là một cán bộ lão thành cách mạng, cụ đã chứng kiến những thời khắc thiêng liêng trong lịch sử dân tộc. Khi Trung ương phát động cao trào kháng Nhật cứu nước (tháng 3/1945), làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa, cụ Văn đi biểu tình chống “phá lúa, trồng đay”, rải truyền đơn vào nhà chánh tổng, phó tổng, lý trưởng để cảnh cáo, yêu cầu không được thu thuế của dân. Cùng tham gia cách mạng, hoạt động trong lòng địch, cụ Vinh và cụ Văn đã cùng nhau vào sinh ra tử. Khi xã Kim Sơn giành được chính quyền, cụ Văn được bầu làm Bí thư phụ nữ xã. Đất nước hòa bình, cụ Văn giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên cho đến khi nghỉ hưu.
Cụ Đặng Văn Vinh và cụ Sằm Thị Văn luôn là tấm gương sáng để con cháu trong nhà học tập.
Gặp người từng cắt tóc cho Bác Hồ và Đại tướng
Được cụ Vinh giới thiệu, tôi tìm đến nhà cán bộ tiền khởi nghĩa Lý Quang Minh (SN 1928) ở xã Kim Sơn. Mái tóc bạc phơ, nhưng cụ Minh vẫn khỏe mạnh. Trong căn nhà cấp 4, cụ Minh đang đóng khung cho bức ảnh chụp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tại buổi gặp mặt, biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu trong lực lượng Công an nhân dân tại Hà Nội vừa qua.
Cụ Minh kể về thời kỳ đứng lên giành độc lập của dân tộc. Cụ quê gốc huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), sinh ra trong gia đình nghèo, có 7 người con. Năm lên 3 tuổi, cụ cùng gia đình lên Định Hóa (Thái Nguyên) làm ăn. Năm 1942, 5 anh em trong gia đình cụ đều tham gia hoạt động cách mạng. Anh trai cụ là Lý Văn Quyết trực tiếp làm việc và phục vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Định Hóa. Năm 14 tuổi, cụ Minh được giao nhiệm vụ làm liên lạc, đưa thư từ, cơm nước, chỉ đường cho cán bộ cách mạng. Cụ không đi đường chính mà xẻ rừng để đi. Cụ chia sẻ: Làm liên lạc, gặp thú dữ, trước súng ống quân địch tôi không sợ, có sợ chăng là sợ không hoàn thành nhiệm vụ, để lộ thông tin mật cho kẻ thù”.
Cụ Đặng Văn Vinh chỉ ảnh cụ chụp cùng đội tự vệ cứu quốc xã khi giành chính quyền.
Theo cụ Minh, may mắn và hạnh phúc trong cuộc đời hoạt động cách mạng là được gặp gỡ, nói chuyện, cắt tóc cho Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cụ Minh có tài cắt tóc, cụ sắm một cái kéo, một tông đơ để cắt tóc cho cán bộ hoạt động ở vùng rừng núi Định Hóa. Cụ Minh kể, lúc đầu cụ cũng hồi hộp và lo lắng khi cắt tóc cho các lãnh đạo ở ATK, nhưng về sau cũng quen. Đặc biệt, khi cắt tóc cho Đại tướng, cụ Minh thường được Đại tướng mời ở lại ăn cơm.
Cụ Minh còn nhớ như in ngày đầu tiên cắt tóc cho Bác Hồ. Hôm đó, vừa đi đưa thư về cụ Minh được chỉ huy gọi bảo ngày mai đến đồi Nà Đình (xã Phú Đình) cắt tóc cho Bác. Cụ hồi hộp xen lẫn lo âu. “Mái tóc là vóc con người, cắt tóc Bác phải làm sao để thể hiện cho được một phần nhân cách hiền từ, ung dung và nhân hậu, đáng kính của vị cha già dân tộc”, cụ Minh nói. Hôm đó, cụ dậy sớm chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, tâm lý để cắt tóc cho Bác. Nhưng khi bắt đầu cắt tóc tay cụ run lên, đầy lo lắng. “Thấy tôi hồi hộp, Bác chỉ cười và bảo tôi thường cắt cho anh em như thế nào thì cứ cắt cho Bác như vậy, không phải cầu kỳ. Nghe giọng nói ấm áp của Bác, tôi lấy lại tinh thần để cắt tóc cho Người. Cắt xong, tôi được Bác khen khéo tay, cắt đẹp. Bác bảo, lúc nào tóc dài lại nhờ chú cắt tiếp”, cụ Minh kể.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 10/1954 cụ Vinh về Hà Nội làm việc trong Văn phòng T.Ư Đảng. Sau đó, cụ trở về công tác tại huyện Định Hóa. Từ năm 1963, cụ là Đội trưởng Công an huyện cho đến lúc về hưu. Không được cắt tóc cho Bác Hồ, Đại tướng nữa nhưng chiếc tông đơ cắt tóc, cụ luôn giữ gìn cẩn thận, xem đó là kỷ vật quý báu. Về sau, cụ tặng cho Bảo tàng Công an để trưng bày.
Thế hệ cháu của các lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cũng đang ra sức làm nhiệm vụ, công tác tại địa phương, xây dựng quê hương cách mạng từng bước phát triển. Cụ Vinh và cụ Văn sinh hạ bốn con thì cả bốn đều thành đạt. Con cả Đặng Văn Hùng từng là đại tá trong quân đội, con thứ hai Đặng Văn Chung đang giữ chức vụ Phó Trưởng công an huyện, con thứ ba Đặng Thái Dũng từng làm Bí thư Đảng ủy xã, con út Đặng Thị Nga làm Hiệu phó Trường THCS xã Quy Kỳ.
Còn cháu cụ Minh, Lý Thanh Bôn (SN 1992) đang là công an huyện Định Hóa.