Đến lượt bộ đàm phát nổ ở Li-băng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin trên khắp Li-băng, đến lượt hàng loạt bộ đàm phát nổ, gây ra tình cảnh hoảng loạn ở quốc gia này.

Bộ Truyền thông Li-băng cho biết, các bộ đàm phát nổ ngày 18/9 là mẫu của công ty ICOM (Nhật Bản) nhưng đã ngừng sản xuất.

Bộ này cho biết, các bộ đàm IC-V82 không phải do đại lý chính thức cung cấp và chưa được các cơ quan an ninh kiểm tra.

ICOM không trả lời yêu cầu bình luận của CNN. Trên trang web của mình, hãng cho biết đã ngừng sản xuất IC-V82 và hầu hết các mẫu đang lưu hành hiện nay đều là hàng giả.

Các bức ảnh được đưa lên mạng xã hội về một số thiết bị phát nổ cho thấy có những đặc điểm giống với IC-V82.

Đến lượt bộ đàm phát nổ ở Li-băng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn ảnh 1

Hình ảnh một bộ đàm phát nổ ở Li-băng được đưa lên mạng. (Ảnh: CNN)

Sự cố xảy ra ngay sau vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin do một công ty tại Budapest sản xuất. Số người Li-băng thiệt mạng vì thiết bị này đã tăng lên 20, ngoài ra có hơn 3.000 người bị thương.

Theo bản tin của hãng thông tấn Fars, Đại sứ của Iran tại Li-băng bị thương nhẹ trong vụ nổ, nhưng báo New York Times dẫn nguồn tin từ Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran cho biết ông mất một mắt và mắt còn lại bị thương nặng khi máy nhắn tin mà ông mang theo phát nổ.

Đại sứ của Iran tại Liên Hợp Quốc cho biết trong một lá thư ngày 18/9, rằng họ "bảo lưu quyền của mình theo luật pháp quốc tế để thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đáp trả" vụ tấn công.

Cùng ngày, Nhà Trắng nhắc lại tuyên bố Mỹ không liên quan đến các thiết bị phát nổ ở Li-băng.

"Những gì tôi có thể nói với các bạn là Mỹ không liên quan đến các sự cố ngày hôm qua hoặc hôm nay theo bất kỳ cách nào, và tôi không có gì để chia sẻ thêm", người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 18/9.

Khi được hỏi trong cuộc trao đổi tiếp theo với một phóng viên khác, ông Kirby không nói liệu Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin có được thông báo trước về cuộc tấn công ngày 18/9 hay không, khi ông có cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Yoav Gallant.

Ông Kirby từ chối xác nhận Israel đứng sau các cuộc tấn công bằng thiết bị điện tử. "Tôi sẽ không đi sâu vào đánh giá tình báo, ước tính và nhận xét”, ông nói.

Đến lượt bộ đàm phát nổ ở Li-băng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn ảnh 2

Bộ đàm phát nổ trên ghế của một gia đình ở Li-băng. (Ảnh: CNN)

Cuộc tấn công bằng thiết bị điện tử làm gia tăng căng thẳng ở khu vực. Theo CNN, đây là hoạt động chung giữa cơ quan tình báo Israel Mossad và quân đội Israel. Chính phủ Li-băng gọi đây là "hành vi xâm lược của Israel".

Sau hai vụ nổ, Bộ trưởng Quốc phòng Israel nói rằng "kỷ nguyên mới" trong nỗ lực chiến tranh của Israel đang bắt đầu.

"IDF đã đạt được những thành tựu tuyệt vời, cùng với Shin Bet, cùng với Mossad, tất cả các cơ quan và tất cả các khuôn khổ và đạt được những kết quả rất ấn tượng", ông Gallant cho biết trong chuyến thăm căn cứ Không quân Ramat-David ở miền bắc Israel ngày 18/9.

Phát biểu của ông có vẻ là sự thừa nhận đầu tiên của một quan chức Israel rằng lực lượng an ninh của Israel đứng sau hàng loạt vụ nổ ở Li-băng.

Ông Kirby thừa nhận chính quyền Mỹ lo ngại về viễn cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực, nói rằng Mỹ không tin "các hoạt động quân sự bổ sung" là giải pháp cho tình hình hiện nay, mà phải là ngoại giao.

Đến lượt bộ đàm phát nổ ở Li-băng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn ảnh 3

Một máy nhắn tin của người Li-băng sau khi nổ. (Ảnh: CNN)

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Türk lên tiếng chỉ trích vụ nổ máy nhắn tin ở Li-băng, gọi đây là hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế và kêu gọi một "cuộc điều tra độc lập, toàn diện và minh bạch".

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp vào ngày 20/9 về vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm theo kiến nghị của các quốc gia Ả-rập.

Theo CNN, Reuters
MỚI - NÓNG