Hezbollah thề trả thù Israel sau vụ hàng loạt máy nhắn tin biến thành bom

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lực lượng Hezbollah ở Li-băng thề sẽ trả thù Israel, cáo buộc nước này kích nổ hàng loạt máy nhắn tin trên khắp Li-băng trong ngày 17/9, khiến 9 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương.
Hezbollah thề trả thù Israel sau vụ hàng loạt máy nhắn tin biến thành bom ảnh 1
Đông người tụ tập bên ngoài Trung tâm Y tế Đại học Hoa Kỳ tại Beirut sau vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin ngày 17/9. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Thông tin Li-băng Ziad Makary lên án vụ việc, gọi đây là "hành động xâm lược của Israel". Hezbollah tuyên bố Israel sẽ hứng chịu "hình phạt công bằng" vì hành động này.

Lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah trước đó cảnh báo các thành viên của lực lượng không được mang theo điện thoại di động vì những thiết bị như vậy dễ bị Israel theo dõi. Do đó, tổ chức này sử dụng máy nhắn tin để liên lạc.

Một quan chức của Hezbollah nói với AP rằng các thiết bị phát nổ là sản phẩm của một thương hiệu mới mà nhóm chưa từng sử dụng trước đây.

Quân đội Israel từ chối trả lời các câu hỏi về vụ nổ.

Bộ Y tế Li-băng cho biết đã ghi nhận 9 trường hợp tử vong, trong khi số người bị thương là 2.750.

Hezbollah xác nhận ít nhất 2 chiến binh của họ và 1 bé gái nằm trong số những người thiệt mạng.

Đại sứ Iran tại Li-băng Mojtaba Amani bị "thương ngoài da" trong vụ nổ và đang được theo dõi tại bệnh viện, hãng tin Fars của Iran đưa tin.

Hai nguồn tin an ninh cho biết, trong số những người thương vong có con trai của các quan chức cấp cao Hezbollah.

Báo New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ và một số quan chức khác được nắm được tình hình cho biết, Israel đã giấu chất nổ vào máy nhắn tin Gold Apollo do Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất trước khi chúng được nhập khẩu vào Li-băng. Chất nổ được đặt cạnh cục pin, với công tắc có thể kích hoạt từ xa để kích nổ.

Lực lượng Hamas của người Palestine ở Dải Gaza gọi đây là “hành động leo thang”, chỉ dẫn đến sự "thất bại và thua cuộc" cho Israel.

Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Li-băng Jeanine Hennis-Plasschaert lên án vụ tấn công và gọi đây là "sự leo thang cực kỳ đáng lo ngại" trong cuộc xung đột.

Washington khẳng định không liên quan đến vụ việc và không biết bên nào phải chịu trách nhiệm. Mỹ tiếp tục kêu gọi phải có một giải pháp ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và Li-băng.

Mỹ kêu gọi Iran cùng các lực lượng đồng minh là Hezbollah, Houthi và các nhóm vũ trang ở Iraq trong “trục kháng chiến” không lợi dụng bất kỳ sự cố nào để gây bất ổn.

Một phát ngôn viên quân đội Israel cho biết Thiếu tướng Herzi Halevi, tham mưu trưởng quân đội, đã họp với các sĩ quan cấp cao trong tối 17/9 để đánh giá tình hình. Không có thay đổi chính sách nào được công bố, nhưng ông cho biết "cần tiếp tục duy trì cảnh giác”.

Trước đó, cơ quan an ninh nội địa của Israel tuyên bố đã chặn được âm mưu của Hezbollah nhằm ám sát một cựu quan chức quốc phòng cấp cao của nước này trong những ngày tới.

Cuối ngày 17/9, Air France thông báo sẽ dừng các chuyến bay kết nối Paris với Beirut và Tel Aviv cho đến hết ngày 19/9 do lo ngại về an ninh.

Hezbollah trước đó khẳng định họ muốn tránh chiến tranh toàn diện với Israel, nhưng với điều kiện cuộc xung đột ở Dải Gaza phải kết thúc. Những nỗ lực nhằm đạt được thoả thuận ngừng bắn ở Dải Gaza vẫn bế tắc sau nhiều tháng đàm phán, với Qatar, Ai Cập và Mỹ đóng vai trò trung gian.

Dù rủi ro gia tăng, các chuyên gia nghi ngờ khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah, điều mà Mỹ vẫn tìm cách ngăn chặn và tin rằng không bên nào mong muốn.

Theo Reuters, AP
MỚI - NÓNG