Gặp lại người kéo cờ Tổ quốc tại Lễ Tuyên ngôn Độc lập 1945

Bà Thi là một trong hai người vinh dự được kéo lá cờ Tổ quốc tại Lễ Tuyên ngôn Độc lập 1945. Ảnh: Thanh Hà.
Bà Thi là một trong hai người vinh dự được kéo lá cờ Tổ quốc tại Lễ Tuyên ngôn Độc lập 1945. Ảnh: Thanh Hà.
TPO - Hiện đang sống tại căn phòng trên tầng hai phố Ngô Quyền (Hà Nội) cùng gia đình, sức khỏe đã yếu, chân tay đã run nhưng trí nhớ của bà Lê Thi vẫn không thể quên được vinh dự khi được chọn là 1 trong 2 người kéo lá cờ Tổ quốc và nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Tên thật của bà là Dương Thị Thoa, con gái nhà giáo nổi tiếng và là Hiệu trưởng Trường Bưởi - Liệt sĩ Dương Quảng Hàm. Quê ở Hưng Yên, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình trí thức có 8 anh chị em, ở 98 Hàng Bông (Hà Nội).

Năm 1943 bà học xong trường Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương), sau đó tham gia Cách mạng và làm công tác Hội phụ nữ tại phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm – Hà Nội) với bí danh là Lê Thi, do rất thích họ Lê của vua Lê Lợi nên bà lấy làm họ của mình, còn Thi là tên của người bạn thân.

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đến ngày 2/9/21945 cả nước nô nức hướng về Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) dự Lễ Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam). “Trước đó khoảng 1 tuần, tôi nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ tại phố Hàng Bông tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn quần áo, trang phục mặc chỉnh tề, nghiêm trang chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại sắp diễn ra. Lúc ấy, tôi mới 19 tuổi”, bà Thi nhớ lại. Đến sáng ngày 2/9 bà Thi dậy từ sớm đi vận động chị em phụ nữ trên phố Hàng Bông đóng cửa hàng để tới Quảng trường Ba Đình. Hôm đó, mọi người mặc áo dài, quần trắng. Bà Thi dẫn đầu các chị em, trên tay cầm một cây gậy bằng gỗ, vừa đi vừa hô 1, 2...1, 2... đi đều bước đưa mọi người tiến vào Quảng trường. Và đoàn phụ nữ Hàng Bông đứng đầu đoàn phụ nữ của Thủ đô. Bà Thi cho biết, khi gần tới giờ khai mạc, đoàn phụ nữ Hàng Bông được yêu cầu cử một người kéo cờ. “Lúc đó tôi đứng im. Các chị em trong hàng nói rằng “Thi lên đi”. Tôi có cảm giác vừa đi vừa lo dù đã được kéo cờ khi còn đi học. Lên đến gần Lễ đài, tôi gặp một người phụ nữ người Tày và cùng nhau đi lên. Chuẩn bị kéo cờ tôi nói rằng “chị nâng lá cờ, còn em kéo nhé”.

Vừa dứt lời, tiếng hát của bài Quốc ca vang lên tôi từ từ kéo lá cờ Tổ quốc lên cao. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình lúc đó.

Hoàn thành nhiệm vụ. Đứng trên lễ đài, bà được nhìn thấy Bác Hồ rất gần. Lúc đó Bác mặc bộ kaki trắng, đi đôi dép cao su giản dị khác hẳn với tưởng tượng, vì trong trường học những ngày lễ trọng đại người ta thường mặc những bộ đồ sang trọng và đi giầy đen bóng loáng. 

Bà Thi vẫn nhớ như in câu nói của Bác Hồ trong ngày 2/9/1945 khi đọc Tuyên ngôn độc lập “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?” ở dưới hàng vạn người người đồng thanh hô to “rõ, rõ, rõ”.

20 năm sau, bà Thi mới được gặp lại người phụ nữ cùng mình kéo lá cờ Tổ quốc, đó là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái. Ngày 2/9/1997, hai người phụ nữ năm ấy được gặp nhau và chụp ảnh kỷ niệm tại Quảng trường Ba Đình. Và đến năm 2010 thì bà Loan mất.

MỚI - NÓNG