Vay và trả

Vay và trả
TP - Ngày 31/7, báo chí đưa tin Đà Nẵng khởi công dự án “từ chối vốn ODA”. Đó chính là dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư huy động trong nước lên tới 1.070 tỷ đồng, thuộc Cảng Đà Nẵng, cảng biển lớn nhất miền Trung Việt Nam.

Đây là dự án hạ tầng giao thông hiếm hoi dám từ chối nguồn ODA, dám tuyên bố “không cần vay vốn ODA”, dẫu phía Nhật Bản đồng ý tài trợ vốn khoảng 1.000 tỷ cho dự án.

Theo phân tích của giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo), Việt Nam cần giảm và tiến tới “tốt nghiệp” ODA trong 15-20 năm tới. Bởi những nước thành công trong phát triển kinh tế như Hàn Quốc hay gần đây là Thái Lan đều đã “tốt nghiệp” ODA từ lâu và trong một thời gian ngắn.

 Hàn Quốc thôi tiếp nhận ODA từ năm 1982 và chuyển thành nước cung cấp ODA vào năm 1993, còn Thái Lan dừng ODA năm 2002. Cả hai nước này đều chỉ vay vốn ODA trong khoảng thời gian từ 20-25 năm với mức vay cao nhất cỡ 5-10USD/đầu người. Trong khi đó, vốn vay ODA trên đầu người của Việt Nam đã chạm ngưỡng 40 USD, và chúng ta đã phải trả “học phí” cho ODA suốt hơn 20 năm qua.

Nêu vấn đề trên để thấy, tuy ODA rất cần cho sự phát triển đối với những quốc gia còn nghèo, nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Những điều kiện ràng buộc của ODA để đảm bảo 8 trên 10 đồng cho vay bằng hình thức nào đó sẽ lại quay về, góp phần kích thích xuất khẩu của nước chủ nợ, cũng không hề dễ chịu với nước đi vay. Chính vì vậy, GS Thọ cho rằng, “việc phụ thuộc lâu dài vào ODA phải được xem như là sự thất bại của chiến lược phát triển”.

Mấy hôm nay, báo chí đồng loạt đưa nhiều ý kiến phản biện về việc Bộ GTVT đề xuất vay Trung Quốc 300 triệu USD làm đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Còn theo Bộ KH&ĐT thì khi được hỏi, các bộ ngành liên quan đều đề nghị đàm phán lại với Trung Quốc về điều kiện và lãi suất. Lý do phản biện cũng rất dễ hiểu, ngoài bài học đắt giá “vay một thành ba” từ dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, còn hàng loạt câu hỏi đặt ra: Trung Quốc luôn xuất siêu hàng chục tỷ USD sang ta - vậy xây đường ai hưởng lợi?; Có nhạy cảm về an ninh quốc phòng không?;  Điều kiện vay vốn có phụ thuộc vào yêu cầu nhà thầu Trung Quốc, đi theo nó là công nghệ Trung Quốc, vật liệu Trung Quốc, thậm chí là nhân công Trung Quốc thì sao?…

Và điều quan trọng hơn, xin nhắc lại câu hỏi đau đáu của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa tại nghị trường ngày 17/11/2015 : “Nếu nhận viện trợ ODA và vay giá rẻ của Trung Quốc thì liệu sau này kiện đòi lãnh thổ được không khi chưa kịp trả? Và ĐB Nghĩa khi đó cũng đã tự trả lời: “Nếu trưng cầu ý dân tôi tin đa số người dân sẽ không đồng ý nhận viện trợ ODA của Trung Quốc. Chúng ta còn nhiều nơi khác để vay tiền”.

Có “vay” phải có “trả”, và đôi khi cái giá phải trả còn đắt gấp ngàn lần! Mong rằng, ngày càng có nhiều dự án “dám” từ chối vốn vay nước ngoài như Cảng Tiên Sa. Chỉ khi đó chúng ta mới nhanh “tốt nghiệp đi vay” để thực sự phát triển.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.