Mưa to gây ngập lụt tại Trung trung bộ

Vào rốn lũ Tân Ninh

TP - Mưa trắng trời không dứt, gió quật liên hồi, chiếc thuyền cu le như một chiếc lá lao đi giữa bốn bề sóng nước hướng về trung tâm xã Tân Ninh, nơi được mệnh danh là rốn lũ của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).

“Thuyền có thể lật bất cứ lúc nào”

Sáng vừa thức giấc, nghe điện thoại kêu tinh tinh, mở ra xem, thấy email từi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình gửi thông báo tình hình lũ lụt mới nhất trong ngày 9/10. Lướt qua bản thông báo, gần như cả tỉnh bị ngập lụt, đặc biệt hai xã Rốn lũ Tân Hoá (Minh Hoá) và Tân Ninh (Quảng Ninh) nước chạm mái nhà.

Rủ thêm anh bạn đồng nghiệp định lên Tân Hoá, nhưng khi xem kỹ bản thông báo thì nhiều đoạn đường bị nước lũ chia cắt không thể vượt qua được để đến nơi này. Cậu bạn đồng nghiệp bảo về Tân Ninh, vì cậu ấy quê Quảng Ninh, có khó mấy cũng nhờ được người để đưa về Tân Ninh.

Vào rốn lũ Tân Ninh ảnh 1 Chiếc thuyền nhỏ vượt sóng lớn đưa chúng tôi về Hữu Tân (xã Tân Ninh)

Xe chúng tôi buộc phải dừng lại phía bên này cầu Trung Quán thuộc xã Duy Ninh. Đứng trên cầu Trung Quán, nhìn về Tân Ninh cách đó không xa, bạc trắng một màu nước lũ. Loanh quanh hỏi để thuê thuyền về Tân Ninh, gần chục chủ thuyền cu le mà chúng tôi gặp đều lắc đầu, lè lưỡi, họ nói “có tâm thần mà vào Tân Ninh lúc này”.

Không còn cách nào khác, cậu bạn đồng nghiệp rút máy gọi cho lãnh đạo xã Tân Ninh. Đầu dây bên kia, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh Nguyễn Văn Hoan nói “nước lên to lắm, cả xã ngập hết rồi, dân vẫn an toàn, các anh không cần phải về đâu, nguy hiểm lắm”. Sau một hồi trao đổi, một chiếc thuyền cu le của xã Tân Ninh cũng cập thành cầu Trung Quán để đón chúng tôi.

Mưa trắng trời không dứt, gió quật liên hồi, chiếc thuyền cu le như một chiếc lá lao đi giữa bốn bề sóng nước, hướng về trung tâm xã Tân Ninh. Có mặt trên chiếc thuyền đón chúng tôi, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hoan nói to giữa mưa lớn: “Toàn xã ngập nặng, 1.863 ngôi nhà đã bị nước nhấn chìm. Nước lũ dâng ngập từ 0,5 đến sâu hơn 3m, có nơi sâu đến 5m. Nặng nhất là hai xóm Hữu Tân, Tân Thành thuộc thôn Hữu Lộc, nơi có 200 hộ dân sinh sống, nằm giữa phá Hạc Hải. Anh em chúng tôi đang đi kiểm tra tình hình ở trung tâm xã, chứ chưa thể về Hữu Tân và Tân Thành được vì sóng đánh rất mạnh, thuyền thì quá nhỏ. Phải chờ bớt gió may ra chiếc thuyền này mới về đó an toàn được”.

Khi nghe chúng tôi muốn về hai xóm ngập nặng giữa phá Hạc Hải, ông Hoan ái ngại ra mặt, vì rủi ro rất cao. Thấy chúng tôi cương quyết, ông Hoan hỏi: “Hai chú có biết bơi không? Nếu “lỡ ra” thì đội cứu hộ của xã còn chút thời gian để tiếp cận. Lãnh đạo xã cũng chưa về được dưới đó xem như thế nào, nhân tiện cùng về nắm tình hình của dân cùng hai chú luôn. Nhưng tôi cảnh báo trước, thuyền có thể lật bất cứ lúc nào đấy”.

 “Năm nào cũng lũ lụt nên quen rồi”

Con thuyền cule bằng nhôm chòng chành bẻ lái chồm lên từng đợt sóng lướt đi, hướng về phá Hạc Hải. Nước lũ trắng đồng, sóng to, gió giật mạnh kèm mưa lớn táp vào mặt. Không ít lần chiếc thuyền suýt lật úp giữa dòng lũ chảy xiết. Ngồi ở đầu mũi thuyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Dương Văn Hòa nói: “Phải biết lái đò giữa sóng lớn nhiều năm mới dám về ốc đảo này trong mưa lũ, vì rất mạo hiểm. Mình là cán bộ xã, phải an toàn đã mới cứu được dân, chứ thuyền mà úp xuống đây, thành ra dân lại phải cứu mình”.

Vào rốn lũ Tân Ninh ảnh 2 Toàn bộ nhà dân, công sở, trường học ở xã Tân Ninh ( huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) bị ngập sâu trong nước lũ

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã, ông Nguyễn Duy Hợi, mặt căng như dây đàn, tay cầm lái, tay cầm dây ga lên xuống nhịp nhàng, mắt quan sát tứ bề để điều khiển con thuyền tránh từng đợt sóng xô đến bất ngờ. Ông Hợi nói: “Mình là dân phá Hạc Hải nên đã quen với sông nước, chỉ lo cho hai nhà báo lỡ có chuyện gì thôi. Mặc dù chưa về dưới đó, nhưng qua điện thoại, biết dân vẫn an toàn”.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ vượt sóng lớn, con thuyền cũng tiếp cận được xóm Hữu Tân. Xóm nhỏ có 108 hộ, 403 khẩu bị nước vây tứ bề, không một ngôi nhà nào là không bị ngập nước, nhưng gần như người dân nào cũng bình thản trước mưa lũ. Là vùng rốn lũ, ở đây nhà nào có điều kiện thì xây nhà 2 gác, khó khăn hơn thì xây nhà nền móng cao để tránh lũ.

Nhà ông Nguyễn Văn Hiền đã ngập hết tầng 1, cả nhà di chuyển lên tầng hai. Đứng ở hiên nhà tầng 2, ông Hiền cười nói: “Ở đây năm nào cũng lũ lụt, nên bà con quen rồi, thấy trời mưa to là di chuyển trâu bò lên vùng cao, còn của cải, lương thực thì cho lên sàn, lên gác nên thiệt hại không mấy. Nhà nào có người già neo đơn thì có bà con lối xóm đến dọn dẹp, che chắn giùm nên cũng an toàn. Chỉ mỗi tội, lũ lụt về đi lại không được, bó chân bó tay, nhà nào có người đau ốm, cấp cứu thì bất tiện, phải nhờ cứu hộ ngoài xã vào đưa đi viện”.

Ở đây gần như nhà nào cũng có thuyền nhôm hoặc thuyền thúng làm bằng nhựa composite để đi lại trong lũ. Người lớn vẫn thường dùng những chiếc thuyền này để ra đầu xóm vớt củi, ai may mắn thì vớt được cả khúc gỗ to trôi từ rừng về. Gặp anh Nguyễn Văn Hùng đang lội bì bõm dưới vịn tay vào chiếc thuyền thúng đang trên đường kéo khúc gỗ vừa nhặt được về nhà. Hỏi anh không sợ lũ à, anh cười: “Sợ chi, quen rồi mà. Ra lũ, khúc gỗ này làm được nhiều việc lắm đó”.

Đi một vòng quanh xóm Hữu Tân, chúng tôi bàn cách tiếp cận xóm Tân Thành, nơi có 97 hộ, 323 khẩu. Nếu bình thường từ Hữu Tân về Tân Thành chưa đến 5 phút xe máy thì hôm nay ngày lũ lớn, con thuyền cu le vật lộn đến hơn 30 phút vẫn không vượt qua được những con sóng lớn liên tục xô vào mạn thuyền. Chủ tịch Mặt trận xã Nguyễn Duy Hợi đành thúc thủ: “Nếu cố sẽ lật thuyền!”

Theo thông tin cập nhật lúc 17 giờ ngày 9/10, toàn tỉnh Quảng Bình có gần 13 ngôi nhà bị ngập từ 0,5m đến 2,5m. Nặng nhất là vùng rốn lũ Tân Hoá (huyện Minh Hoá) và  Tân Ninh (huyện Quảng Ninh). Có một người bị nước cuốn trôi mất tích, một người bị điện giật nguy kịch khi đi qua cột điện bị đổ, 1 tàu cá bị chìm.

MỚI - NÓNG