Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vào 13 giờ trưa qua, đỉnh lũ tại Trạm Thủy văn Đông Hà đã lên tới 4,69 m, vượt kỷ lục được thiết lập vào năm 1983 với đỉnh lũ đạt 4,58m.
Ngày hôm nay, diễn biến lũ trên các sông miền Trung vẫn phức tạp. Dự báo lũ trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), sông Bồ (Thừa Thiên Huế) tiếp tục lên chậm, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang lên lại (nhưng không nhiều), các sông khác từ Quảng Bình đến Quảng Nam tiếp tục xuống. Hiện tại, mực nước trên sông Kiến Giang trên Báo động (BĐ)3 là 0,3m, sông Thạch Hãn, sông Bồ trên BĐ2, các sông khác trên BĐ1.
Dự báo chiều tối nay (9/10), mực nước sông Ngàn Sâu lên BĐ1, sông Bồ lên trên BĐ2 0,5m. Các sông khác tiếp tục xuống và dao động ở BĐ1 và trên BĐ1, riêng sông Kiến Giang còn trên BĐ2.
Tình trạng ngập lụt tại các tỉnh vẫn tiếp diễn đến hết ngày hôm nay, riêng vùng hạ lưu sông Kiến Giang có thể kéo dài sang hết ngày mai.
Tình trạng mưa lũ ở miền Trung được nhận định sẽ diễn biến phức tạp trong những ngày tới. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ nay đến ngày 10/10, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Ở Nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 100mm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn nhận định, trong những ngày tới trên Biển Đông có thể tiếp tục xuất hiện một xoáy thuận nhiệt đới, hướng về miền Trung. Nếu kịch bản xảy ra, miền Trung tiếp tục ảnh hưởng một đợt mưa lũ diện rộng và kéo dài.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đợt mưa lớn lần này khá giống với đợt mưa lớn từng gây ra trận lũ lịch sử năm 2017 khi hội tụ đầy đủ các hình thái thiên tai điển hình gồm vùng áp thấp, không khí lạnh, các nhiễu động trên cao. Nguy cơ có thể tái diễn đợt lũ lịch sử năm 2017.