Trong số đó có nhiều người là lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp tư nhân lớn, như: ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam; ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tasco.
Bình luận về kết quả trên, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc nhiều doanh nhân trúng cử vào Quốc hội cho thấy, cử tri và nhân dân ngày càng tin tưởng, tín nhiệm đội ngũ doanh nhân.
Khi doanh nhân vào Quốc hội đông thì sẽ có những đóng góp tích cực vào xây dựng thể chế, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề liên quan đến kinh tế, tài chính, ngân sách.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng lưu ý, các doanh nhân khi vào Quốc hội rồi thì phải đảm bảo là những con người “sạch”, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Tuyệt đối không được đặt lợi ích cá nhân, lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích xã hội, lợi ích của Tổ quốc.
“Việc hai đại biểu doanh nhân tham gia Quốc hội khóa XIII bị bãi nhiệm vì vi phạm pháp luật là bài học sâu sắc. Do đó, doanh nhân vào Quốc hội là phải nói tiếng nói của cử tri, chứ không phải vào đó để “quan hệ” nhằm đem lại lợi ích cho doanh nghiệp của mình. Vào Quốc hội là để đóng góp, xây dựng, giúp cho hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả và thực chất hơn, xứng đáng là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, chứ tuyệt đối không được vì lợi ích cá nhân”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, sự có mặt của nhiều doanh nhân đang tham gia sản xuất, kinh doanh ở những lĩnh vực mà lâu nay vốn có nhiều bức xúc trong xã hội như BOT, giao thông, điện, dầu khí… sẽ khiến cho các ý kiến ở nghị trường đa chiều hơn. Thông qua đó Quốc hội sẽ đưa ra những quyết định phù hợp với tình hình thực tế.