Số người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là 496 người. Kết quả cho thấy, các Uỷ viên Bộ Chính trị tham gia ứng cử đều trúng cử.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc bầu hộ, bầu thay, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, vừa qua có một số thông tin cũng như một số đơn thư gửi lên Hội đồng Bầu cử Quốc gia phản ánh tình trạng bầu hộ bầu thay. Việc này đã được giao cho uỷ ban bầu cử các tỉnh kiểm tra.
Qua kiểm tra thấy có một số ý kiến nặc danh, một số cử tri nêu đi bầu cử thay do không hiểu biết, rồi đi làm ăn xa. Theo ông Hiển, điều này có sai nhưng sai này do không hiểu biết và cũng không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Nơi có tình trạng bầu hộ, bầu thay sai phạm nghiêm trọng, Hội đồng Bầu cử đã quyết định hủy bỏ ở một khu vực và yêu cầu bầu lại.
Bình luận về việc có gần 100 Uỷ viên Trung ương trúng cử, ông Hiển cho rằng, tất cả cơ cấu thành phần khi chuẩn bị cho bầu cử đã được dự kiến, có đại diện cho các thành phần, giai tầng và các cơ quan. Những Uỷ viên Trung ương phần lớn ở các cơ quan quan trọng, các bộ ngành và các địa phương. Việc các Uỷ viên Trung ương trúng cử cũng nằm trong dự kiến cơ cấu được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và MTTQ xem xét hiệp thương.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết, với hơn 67 triệu cử tri đi bầu vừa qua là thành công lớn trong bầu cử. Luật quy định bầu không quá 500 đại biểu Quốc hội, việc bầu thiếu 4 đại biểu không có gì phải băn khoăn.
Tổng số 870 đại biểu ứng cử đều đảm bảo chất lượng nên ai trúng cũng đều xứng đáng. Ông Túy cho rằng, việc bầu thiếu 9 đại biểu chuyên trách tuy có ảnh hưởng bước đầu, nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều. Mặt khác, sau này trong quá trình hoạt động thực tiễn sẽ được bổ sung thêm.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, việc bầu thiếu không phải mới, vì các nhiệm kỳ trước cũng có hiện tượng này, như khóa IX bầu thiếu 5 đại biểu, khóa XI thiếu 2, khóa XII thiếu 7, và khóa XIV thiếu 4 người cũng là bình thường. Hay với HĐND các cấp cũng bầu thiếu nhưng với tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số đại biểu được bầu.
Liên quan đến việc bầu thêm, ông Phúc khẳng định luật không cho phép và tùy theo tính chất mức độ vi phạm để xem xét trách nhiệm. Tại lần bầu cử vừa qua có một trường hợp tại đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Kiên Giang bầu thêm vi phạm, Hội đồng Bầu cử Quốc gia phải hủy kết quả, hiện cơ quan chức năng đang xem xét về mặt pháp luật.
Trao đổi về số đại biểu là người ngoài Đảng giảm so với nhiệm kỳ trước, ông Phúc cho hay, lúc đầu số đại biểu ứng cử là người ngoài đảng có 97 người (khoảng 11%), khi bầu xong có 21 người trúng cử. “Việc này hoàn toàn do cử tri xem xét, lựa chọn người đại diện”, ông Phúc cho hay.
Về điểm bầu cử tỉnh Sóc trăng bầu thiếu một đại biểu so với chỉ tiêu được giao, ông Phúc khẳng định, điều này không ảnh hưởng gì, bởi đại biểu không chỉ đại diện cho nơi mình bầu, mà còn đại diện cho cả nước, có thể đi tiếp xúc cử tri ở nơi khác, và không ảnh hưởng gì đến tính đại diện cho cử tri.
Trao đổi về số đại biểu tái cử và trúng cử lần đầu, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, với số lượng tái cử 160 người (khoảng 30%), các khóa trước dao động trong khoảng 33 – 35%. Kết quả thực tế tại các kỳ, số lượng đại biểu tái cử khoảng 1/3 là nòng cốt, tích cực, đảm bảo cho hoạt động của Quốc hội chất lượng.
“Đại biểu lần đầu trúng cử phần lớn là những người có đủ tiêu chuẩn, đã trải qua nhiều công tác hoạt động. Điều này cũng làm cho Quốc hội luôn có sự đổi mới, liên tục, không làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của Quốc hội”, ông Hiển cho hay.