Văn phòng 'không giấy'

Văn phòng 'không giấy'
TP - Một lần nữa TPHCM lại là địa phương đi đầu trong các nỗ lực đột phá, cải cách công tác quản lý khi một loạt sở ngành, ủy ban quận đưa các tiến bộ công nghệ thông tin (CNTT) vào ứng dụng.

Sở KH&ĐT thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng, UBND quận 1 và các phường trực thuộc số hóa thông tin cá nhân của công dân, giảm thủ tục, giấy tờ phiền hà.

Theo kế hoạch, TPHCM sẽ thực hiện văn phòng “không giấy” liên thông kết nối từ Văn phòng UBND thành phố đến các quận, huyện, sở ban ngành, tổng công ty trực thuộc để tạo lập môi trường làm việc thông suốt. Trong thời đại công nghệ thông tin, công nghệ số, việc TPHCM quyết liệt đưa CNTT vào ứng dụng trong công tác quản trị, giảm bớt phiền hà chắc chắn sẽ được người dân ủng hộ mạnh mẽ. Bởi đây là một trong những việc làm cụ thể nhất, thực chất nhất để đảm bảo một chính quyền “do dân, vì dân”.

Tuy nhiên, để có được chính phủ điện tử, điều cần thiết là phải có được một nền quản trị điện tử mà sự sẵn sàng của chính quyền, của hệ thống cán bộ đóng vai trò quyết định. Trong khi ấy, cho dù tiên phong ứng dụng CNTT, là thành phố năng động bậc nhất nước, vẫn còn đó những cán bộ, những quan chức quản lý chưa tỏ ra sẵn sàng với chính phủ điện tử.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà mới đây cho hay, có đến 50% cán bộ lãnh đạo, bao gồm lãnh đạo cấp huyện, quận hay cấp sở của TPHCM không sử dụng email trong giao dịch với người dân. Email có lẽ là thứ đơn giản nhất mà họ còn không mặn mà thì nói gì đến những thứ khác.

Tất nhiên, câu chuyện chính phủ điện tử, quản trị điện tử còn đó nhiều vấn đề phải cân nhắc như khả năng bảo mật, nguy cơ tấn công mạng, điều kiện tiếp cận mạng internet không đồng nhất trong các cộng đồng dân cư khác nhau… nhưng xu thế chính phủ điện tử, xu thế số hóa là tất yếu và trách nhiệm xử lý nguy cơ lại thuộc chính quyền.

Không thể lấy lý do này nọ chỉ để tiếp tục duy trì những cách làm cũ, vốn đã gây phiền toái quá nhiều đối với người dân để đến nỗi các thủ tục trở thành “hành là chính”. Có người từng bình luận rằng, một số cán bộ ngại sử dụng email là vì công cụ này khi được sử dụng trong giao dịch với người dân sẽ để lại “dấu vết”, “bằng chứng” cho dù nó rất minh bạch, công khai.

Khi các thủ tục hành chính rườm rà tồn tại, khi yếu tố công khai, minh bạch không có dư địa cho việc nhũng nhiễu nhằm tham nhũng, trục lợi của một bộ phận quan chức là rất rộng. Cho nên, mấu chốt của một chính phủ điện tử chính là sự sẵn sàng, bao gồm sẵn sàng về công nghệ và sẵn sàng về ý thức phục vụ của hệ thống công quyền. 

MỚI - NÓNG