Được biết, nhà bà Thủy đang có gần 20 gốc vải, cho sản lượng trung bình 1,5 tấn/năm. Đây là một trong những vườn được cán bộ nông nghiệp về tập huấn kỹ thuật, thu hoạch để thí điểm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Ông Quang, một người dân cùng tại xã Thanh Thủy cho biết, vườn nhà ông năm nay đậu quả sớm, quả đã ra bằng đầu tăm. Dự kiến, mùng 5/5 âm lịch sẽ thu hoạch. Ông Quang cho biết thêm, quả vải xuất khẩu được sản xuất theo quy trình VietGAP nên chất lượng quả tốt, mẫu mã đẹp, vỏ sáng, ít sâu bệnh, không dùng các loại chất bảo vệ thực vật bị cấm nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Chưa cần phải xuất Mỹ, giá bán trong nước đã cao hơn gần 20% so với vải sản xuất đại trà”, ông Quang cho biết. Tại thời điểm này, hầu hết nông dân tại xã Thanh Thủy đều dành phần lớn thời gian ở ngoài vườn để kiểm tra quả, phun thuốc.
Trao đổi với Tiền Phong, bà Lương Thị Kiểm, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết hiện nay tổng diện tích trồng vải ở thị xã Chí Linh và huyện Thanh Hà là 80 ha, tuy nhiên Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Bộ Nông nghiệp Mỹ chỉ cấp mã số nhập khẩu cho 20ha.
Ngay từ đầu năm 2015, khi nhận được thông tin về kế hoạch nhập vải thiều của Bộ NN&PTNT, Sở triển khai tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân 2 vùng vải vừa được cấp mã số và phối hợp với một số doanh nghiệp hỗ trợ các điều kiện cần thiết để xuất khẩu. “Các doanh nghiệp đã đến, hứa hỗ trợ chào hàng vải Hải Dương đến thị trường Mỹ. Chúng tôi xác định năm đầu tiên là làm thị trường chưa thể xuất lượng vải lớn được nhưng điểm khởi đầu đã là niềm vui với người trồng vải Hải Dương và người trồng vải cả nước nói chung”, bà Kiểm nói.
Để giúp nông dân canh tác đúng quy trình kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, nhất là thị trường khó tính như Mỹ, Cục BVTV đang tập trung hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương, nông dân ở các vùng chuyên canh trồng vải và nhãn về chăm sóc và kỹ thuật. Cục BVTV sẽ phối hợp với cơ quan kiểm dịch của Mỹ tại Việt Nam xây dựng danh sách mã vùng trồng vải, nhãn ở miền Bắc và miền Nam; yêu cầu các nhà máy chế biến xuất khẩu hoàn thành xong “bản đồ chiếu xạ” đối với các loại nông sản này.