Người bắt vải thiều đậu quả trên thân
Nói về lý do để cho ra đời những quả vải thiều theo cách này, anh Hành cho biết là tình cờ. Thấy cây vải giao tán vào nhau tạo nhiều khoảng râm, anh đã bấm bớt cành nhỏ đầu tán để vườn có nhiều ánh sáng. Không ngờ sau đó, rất nhiều nhánh lộc mọc ra từ thân cây, hoa chi chít. Năm đầu tiên anh quan sát và đã thấy quả ra từ thân chất lượng ngon hơn, hình thức đẹp hơn quả ở cành. Một vài vụ sau anh rút ra kinh nghiệm, lộc ra từ thân ngay sau vụ thu hoạch anh bỏ đi, đợi lộc ra đợt kế tiếp cách đó chừng hai tháng thì anh để lại cho ra hoa. Do cắt tỉa cành, hạn chế tán cây phát triển giúp ánh sáng tỏa xuống thân, rồi đồng loạt bón thúc nên chất dinh dưỡng dồn tụ lại, làm bật mầm thân cây. Anh áp dụng kết hợp với kỹ thuật khoanh vỏ cây để hạn chế ra nhiều lá, tạo chất lượng đậu quả cao hơn. Hơn nữa, cây vải có những chùm quả trĩu trịt ngay trên thân nhìn rất đẹp mắt, tựa như những chùm nho ở trong các khu vườn của người Pháp mà anh thường thấy trên ti vi.
Theo anh Hành, quả từ những lộc thân cây thường to mọng, mã quả đỏ và sáng bắt mắt, thường là hàng hoa, được khách hàng đổ xô đến mua và hoàn toàn được xuất khẩu sang Trung Quốc. Anh Hành cho biết, vụ thu hoạch vải thiều năm 2014 đã có 1/3 sản lượng trên tổng số 34 tấn vải thiều thu hoạch được trong vườn nhà anh là vải thiều từ thân cây. Đây là động lực để anh tiếp tục chú trọng vào việc điều chỉnh mức độ cắt, chế độ chăm sóc cho cây để những cây vải của mình để nâng cao sản lượng vải trong vườn nhà được áp dụng ra hoa theo hình thức này. Thống kê trong những năm gần đây cho thấy, năng suất vải thiều trong vườn nhà anh đã tăng lên khoảng 10-15%. Đặc biệt, quả vải thiều mọc từ thân thường to hơn so với các quả trên tán. Thông thường cứ khoảng 30 quả là được 1kg (đối với quả trên tán là khoảng 35-40 quả mới được 1 kg). Giá vải thiều khi anh đưa ra thị trường cũng cao hơn so với các hộ xung quanh. Nếu như mức giá trung bình của vải thiều Lục Ngạn năm 2014 chỉ đạt khoảng 14-16 nghìn đồng/kg thì vải thiều của gia đình anh Hành thường đạt khoảng 18-20 nghìn đồng/kg. Đáng chú ý, giai đoạn cuối mùa, khách còn trả vải thiều nhà anh với mức 28 nghìn đồng/kg. Không chỉ có vậy, chi phí về thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm. Chi phí nhân công giảm gần một nửa so với trước đây. Chính vì vậy, riêng nguồn thu từ hơn 2 ha trồng vải thiều của gia đình anh, mỗi năm đã cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Chủ tịch Hội nông dân sáng tạo
Căn nhà mới xây hiện nay của gia đình anh Hành ước tính khoảng 1 tỷ đồng, đây là mục tiêu mơ ước của nhiều người dân đất vải thiều. Nhưng quả thật, nhìn vào cách thức anh chăm chút cho vườn vải thiều, cách bố trí, mật độ các hàng cây đã toát lên một sự tính toán khoa học, hợp lý trong phát triển kinh tế vườn đồi. Hỏi ra mới biết, anh còn là Chủ tịch Hội Nông dân của xã Giáp Sơn, nhiều năm làm cán bộ khuyến nông của xã, từng tốt nghiệp tại chức Đại học Nông Lâm. Thành công từ mô hình cho ra quả trên thân cây vải thiều của anh đã mang lại cho anh nhiều bằng khen của Trung ương Hội làm vườn, Hội Nông dân Việt Nam, giải Ba cuộc thi “Sáng tạo nhà nông” của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang và giải Khuyến khích của Liên hiệp các Hội khoa học tỉnh Bắc Giang với giải pháp “Xử lý cho vải thiều ra quả trên thân cây”. Không chỉ vậy, anh luôn cởi mở trong việc chia sẻ bí quyết của mình với những nông dân có cùng chung đam mê. Đến nay, đã có hơn 100 hộ gia đình với khoảng 100 ha vải thiều trên địa bàn xã Giáp Sơn và các xã lân cận học tập mô hình cho ra quả trên thân cây vải thiều và đều được anh Hành hướng dẫn tận tình, kết quả ban đầu đều khá tốt.
Ông Nguyễn Duy Chiu, Phó Chủ tịch UBND xã Giáp Sơn cho biết thêm, Hội Nông dân xã mà người đứng đầu là anh Trần Văn Hành đã thực hiện tốt chương trình mỗi năm giúp từ 8-12 hộ nông dân thoát nghèo bằng các công việc cụ thể như trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giống, vốn, công lao động từ đó góp phần làm giảm hộ nghèo của xã từ gần 30% (năm 2011) xuống còn 19,9% như hiện nay. Đặc biệt, tháng 10/2014, cá nhân anh Hành cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.