Bỏ lúa nuôi ba ba, cua đinh
Canh tác hơn chục công ruộng, vườn (10.000m2), nhưng thu nhập kinh tế vẫn ở mức thấp. Nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với ba ba, cua đinh là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn ba ba, cua đinh trong tự nhiên ít, kích cỡ nhỏ không đáp ứng được nhu cầu. Năm 2007, ông Thủ mạnh dạn đào ao với diện tích 500 m2, thả nuôi 2.500 con ba ba. Sau 2 năm, xuất bán thu lãi trên 75 triệu đồng.
Ông Thủ kể: “Thời buổi ấy, làm ruộng, vườn tối ngày phải ở ngoài đồng mà sản phẩm làm ra vừa chịu cảnh mất mùa, rớt giá. Còn việc nuôi ba ba không khó lắm, quan trọng là biết tìm tòi, học hỏi về kỹ thuật chăn nuôi. Chi phí đầu tư thức ăn thấp, chủ yếu của là các loại cá tạp, ốc, đầu xú, thức ăn công nghiệp…”
Ngoài việc nuôi ba ba, cua đinh thương phẩm ông Thủ còn cung cấp con giống của hai loài này
Thấy có hiệu quả nên ông Thủ tiếp tục mở rộng thêm 3 ao nuôi (mỗi ao 500 m2) thả nuôi tổng số 10.000 con ba ba và tiến hành xây dựng 12 bể xi măng (mỗi bể 15 m2) để nuôi 250 con cua đinh.
Theo ông Thủ, từ khi thả nuôi đến 1 năm sẽ tiến hành phân loại đực cái để tránh tình trạng cắn nhau làm tăng tỷ lệ hao hụt. Sau khi phân loại, tiếp tục nuôi thêm 1 năm nữa là thu hoạch. Ba ba nuôi 2 năm trọng lượng đạt từ 1.1 – 1.2 kg/con.
Chi phí cho 1 kg ba ba và cua đinh thương phẩm khoảng 80.000 đồng. Đầu ra cho loài vật nuôi này rất dễ dàng, hiện tại ba ba bán với mức giá từ 150.000 – 300.000 đồng/kg (tùy loại), còn cua đinh giá từ 600.000 – 1.000.000 đồng/kg.
Từ những thành công và kinh nghiệm đạt được ông Thủ chia sẻ: “Nuôi ba ba nguồn nước phải sạch, mỗi ao với diện tích 500 m2 thuận tiện cho việc phân loại và thu hoạch; mật độ thả nuôi 5 con/m2. Mực nước trong ao nuôi giao động từ 1 – 1,5 m, xây dựng bè bằng tre để ba ba sưởi ấm. Bởi đây là loại vật nuôi thích nghi với nhiệt độ cao và bãi để ba ba đẻ. Xây dựng hệ thống ao xung quanh rào tole, sao cho nước sông ra vào để ba ba mau lớn và ít bệnh. Mỗi tháng nên xử lí nước bằng thuốc dùng cho thủy sản”.
Không chỉ nuôi ba ba, cua đinh thịt mà ông còn sản xuất con giống, giá ba ba từ 2.000 – 10.000 đồng/con (tùy cỡ); cua đinh giá từ 300.000 – 600.000 đồng/con, thông thường chia ra làm 3 loại, cụ thể: loại 1 từ khi nở đến 2 tuần tuổi bán với giá 300.000 đồng/con, loại từ 1 đến 2 tháng giá bán 500.000 đồng/con, và loại 3 giá 600.000 đồng/con. Mỗi năm, ông Thủ xuất bán 2.000 con cua đinh giống, 30.000 – 40.000 ba ba giống, hàng tấn sản phẩm thịt đem lại nguồn thu nhập trên 1,7 tỷ đồng, trừ đi chi phí lãi trên 1 tỷ đồng.
Tăng đàn... tiến tới thành lập HTX
Không chỉ là người nuôi ba ba tiên phong trong xã mà ông Thủ còn đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX). Ông Thủ bộc bạch: “Năm 2009, do số lượng hộ nuôi ba ba trên địa bàn xã ngày càng tăng và để tìm đầu ra ổn định nên tôi quyết định thành lập HTX chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi với 11 xã viên, tổng số diện tích là 10.000 m2 thả nuôi trên 40.000 con ba ba, 1.000 con cua đinh”.
Về đặc tính sinh sản của ba ba và cua đinh, ông Thủ cho biết thêm, ba ba mỗi tháng đẻ trứng 1 lần, trung bình từ 12 – 15 trứng, trứng ấp 20 ngày nở, tỉ lệ ấp nở trên 85%. Để giống tốt nhất là sau 18 tháng nuôi, trọng lượng con bố mẹ đạt từ 1 – 2kg. Còn cua đinh, mỗi năm, cua đinh sẽ cho sinh sản 3 đợt, mỗi đợt 10 - 15 trứng. Tỉ lệ ấp ứng nở khoảng 70%. Cua đinh năm đầu tăng trưởng chậm, nhưng từ năm thứ 2 trở đi tăng trưởng nhanh có thể tăng 2 – 3kg/năm.
Về kinh nghiệm chọn cua đinh làm bố mẹ, ông Thủ cho biết cua đinh bố mẹ nên nuôi trong bể xi măng trung bình khoảng 15 m2/bể. Nuôi trong bể xi măng để dễ dàng quản lí trứng, kiểm soát được quá trình sinh trưởng của cua đinh. Cua đinh sinh sản được nuôi theo bộ, tỷ lệ 1 con đực, 4 – 5 con cái.
Hiện tại, nhiều hộ nuôi chuyển từ nuôi ba ba sang cua đinh. Bởi, cua đinh cho thu nhập cao hơn ba ba và thị trường tiêu thụ ổn định. Cua đinh có nhiều sức đề kháng tốt và có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với ba ba. Chất lượng thịt ngon hơn nên được thị trường ưa chuộng và người nuôi có thu nhập cao hơn 10 – 30% so với ba ba.
Theo Nguyễn Hành – Nhân Nguyễn