Theo đó, hiện số vắc-xin này đang được phân phối tới Viện Pasteur, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Từ Dũ cùng các trung tâm y tế dự phòng… trong đó, Viện Pasteur TPHCM là nơi được cung cấp số lượng nhiều nhất. Trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM - cho biết, hằng năm trung tâm chỉ dự trù khoảng 2.000 liều vắc-xin dịch vụ theo hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, phía nhà cung cấp cũng chỉ đáp ứng được vài trăm liều/năm. “Đợt này đã có vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim và trung tâm sẽ triển khai chích đúng theo quy trình. Người dân không cần phải đặt cọc hay giữ chỗ gì cả. Ai có nhu cầu cứ đến đăng ký để được tư vấn trước tiêm”, bác sĩ Dũng nói.
Theo ông Dũng, không có vắc-xin nào an toàn tuyệt đối, nên điều quan trọng nhất là phải tư vấn trước khi tiêm: “Dù là vắc-xin dịch vụ thì cũng phải bảo đảm an toàn tiêm chủng nên phụ huynh cần chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm… Sau tiêm, cần ở lại điểm tiêm theo dõi trong vòng 30 phút. Khi đưa trẻ về nhà cần phải theo dõi sức khỏe ngay cả khi trẻ ngủ ít nhất trong vòng 1 ngày”.
Dự kiến trung tâm sẽ tiêm vắc-xin Pentaxim ngay khi hàng về vào sáng 26/12. Số lượng tiêm tối đa 150 trẻ/buổi (sáng hoặc chiều) với giá khoảng 700 nghìn đồng/mũi. Chiều 25/12, khoa dược Bệnh viện Nhi đồng 1 xác nhận đơn vị này đã được phân phối khoảng 250-300 liều vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim từ lô hàng nói trên của Sanofi. Trong khi nhu cầu tại đây là khoảng 4.000 liều/quý. “Bệnh viện sẽ tổ chức tiêm ngay số lượng vắc-xin mới về nói trên”- lãnh đạo bệnh viện này cho hay.
Người dân quay sang chích Quinvaxem
Theo bác sĩ Dũng, tại TPHCM, năm 2014, có hơn 280 nghìn liều vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem được tiêm cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó ghi nhận 28 trường hợp có phản ứng nhẹ sau tiêm chủng (sốt, quấy khóc, sưng đau tại chỗ tiêm), chiếm tỷ lệ khá thấp 0,01% số mũi tiêm. Ngoài ra, có 2 trường hợp phản ứng nặng phải nhập viện nhưng không có trường hợp nào tử vong. Đến năm 2015, có hơn 300 nghìn liều Quinvaxem đã được tiêm. Ghi nhận 32 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm.
“Vắc-xin dịch vụ chỉ chiếm khoảng 1/3 nhu cầu của người dân thành phố. Nhưng sau 2 năm liên tiếp 2014 và 2015 không có hàng, nên số người chuyển sang tiêm vắc-xin Quinvaxem đã tăng lên đáng kể”, bác sĩ Dũng nói. Theo Sở Y tế TPHCM, vào đầu tháng 4 vừa qua, trước tình hình thiếu trầm trọng vắc-xin dịch vụ, thành phố đã triển khai 45 nghìn liều Quinvaxem tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Điều này cho thấy các bậc phụ huynh vẫn tin tưởng đưa con em mình đi tiêm vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế đã kiểm định xong lô hàng nhập khẩu đầu tiên. Số vắc-xin này đã và đang được phân phối đến các cơ sở tiêm chủng tại các tỉnh, thành phố. Đại diện Công ty Sanofi cho biết, trong quý 4 sẽ có 141.549 liều Pentaxim được cung cấp cho thị trường Việt Nam.
Vắc xin dịch vụ không thiếu
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Cục Dân số và Cục Quản lý Dược của Singapore cho biết trong năm 2014 nước này có 5,4 triệu dân, số cháu bé sinh và di cư là 60.038 người nhưng Cục quản lý Dược của nước này nhập khẩu là 340.000 liều cho 2 loại 5 trong 1 và 6 trong 1. Trong khi số lượng tiêm chỉ hết 182.000 liều còn gần 200.000 liều. Cục Quản lý Dược và Thực phẩm của Hồng Kông cho biết nơi đây có 5,6 triệu dân, số bé sinh ra năm 2014 là 71.214 người nhưng số lượng vắc-xin nhập khẩu cho 2 loại này là 840.000 liều. Một cháu bé tiêm 3 mũi thì nơi đây cũng chỉ tiêu thụ hết 213.642 liều, như vậy số lượng dư thừa sẽ là 626.358 liều được dùng cho tiêm dịch vụ và tái xuất vào Trung Quốc. Trong khi đó, ở Malaysia là 28 triệu người nhưng số trẻ sinh ra là 396.000 người trong năm qua, số lượng nhập khẩu vắc-xin năm 2014 là 1.500.000 liều cho hai loại như vậy còn dư thừa hơn 100.000 liều. Các thông tin trên cho thấy các nước trong khu vực với Việt Nam không thiếu vắc-xin, tuy nhiên một doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng họ không nhập về do giá ở Việt Nam bị quản lý chặt, không có lời.
Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vắc-xin cho rằng họ sẵn sàng nhập về hàng trăm nghìn liều vắc-xin dịch vụ với điều kiện họ được bán giá cao hơn hiện tại. Tuy nhiên, việc “đẩy” giá này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của cơ quan chức năng, vì
vắc-xin là mặt hàng đặc biệt chịu sự quản lý giá rất nghiêm ngặt.
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 25/12 ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói: “Rút kinh nghiệm ở Hà Nội, chúng ta sẽ họp và triển khai đến các điểm tiêm chủng dịch vụ tại TPHCM để tránh lặp lại tình trạng mất trật tự trên. Ở TPHCM triển khai nhiều điểm tiêm, làm khoa học nên hy vọng sẽ không xảy ra chen lấn”- ông Phu nói.