Vá lỗ hổng chính sách

Vá lỗ hổng chính sách
TP - Cần sự giám sát và cả chuẩn bị phương án mới trong thời gian tới là yêu cầu đặt ra với Bộ Tài chính trong bối cảnh thị trường xăng dầu đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ về nguồn nhập khẩu khi các doanh nghiệp đầu mối chuyển sang nhập xăng từ Hàn Quốc để được hưởng mức thuế thấp hơn 10% so với nhập khẩu từ các nước khu vực ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia…).

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng qua, riêng với mặt hàng xăng, lượng nhập từ Hàn Quốc đã chiếm tới 90% tổng lượng nhập từ các thị trường. Với việc chuyển sang nhập xăng từ Hàn Quốc, các doanh nghiệp được cái lợi rất rõ: Tiết kiệm được 50% thuế nhập khẩu so với nhập từ ASEAN.

Ở khía cạnh khác, việc các doanh nghiệp “tận dụng” cơ chế thuế thấp để chuyển sang nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc cũng là một yếu tố khiến nhập siêu từ Hàn Quốc tăng mạnh trong các tháng qua. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, đến nay, Hàn Quốc là nước xuất siêu lớn nhất vào Việt Nam với thặng dư thương mại 9 tháng năm 2017 xấp xỉ 24 tỷ USD. So với mức nhập siêu hơn 19 tỷ USD từ Trung Quốc, nước có kim ngạch xuất khẩu hàng lớn nhất vào Việt Nam, đây là con số đáng suy ngẫm.

Còn ở khía cạnh quản lý, nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc gia tăng đồng nghĩa số thu thuế nhập khẩu từ mặt hàng xăng cũng vì thế giảm mạnh so với trước đây. Hiệp hội Xăng dầu (VINPA), Bộ Công Thương và cả các chuyên gia trong ngành từ cuối năm 2016 cũng nhiều lần đề nghị cần xem xét lại sự chênh lệch “khập khiễng” trong áp thuế nhập khẩu xăng để tránh gây thất thu cho ngân sách.

Để “sửa chữa” những vấn đề về thuế có thể giúp doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thu lời hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, từ đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã dùng thuế nhập khẩu bình quân gia quyền trong tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, cách làm này đã bị các chuyên gia trong ngành phản đối và cho rằng cách áp thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở không đúng với Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC. Theo đó, cách áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền hiện nay không phản ánh đầy đủ diễn biến giữa giá thế giới và giá trong nước. Chưa kể việc áp dụng cách tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền để tính giá cơ sở như vậy không khác gì là một loại thuế mới. Trong khi ban hành hay áp dụng một loại thuế mới là thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Số thu ngân sách giảm bao nhiêu khi doanh nghiệp chuyển sang nhập xăng từ Hàn Quốc đến nay chưa có con số chính xác được Bộ Tài chính đưa ra. Còn các chuyên gia cho rằng, việc giảm thu là chắc chắn và không thể là con số nhỏ. Để giải quyết những bất cập trong áp thuế nhập khẩu xăng dầu hiện nay, đại diện VINPA cho rằng, có thể “chữa cháy” bằng cách Bộ Tài chính nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền sớm điều chỉnh một số sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để bù đắp thiếu hụt do giảm thuế nhập khẩu theo cam kết. Cùng đó việc điều chỉnh Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Giá trị gia tăng riêng với mặt hàng xăng cũng là một trong những biện pháp được đề xuất. Việc “vá lỗ hổng” về chính sách thuế nhập khẩu xăng trong bối cảnh ngân sách luôn căng thẳng như thời gian qua cũng sẽ là nhiệm vụ cần gấp rút giải quyết đặt ra với Bộ Tài chính trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG