Đại gia Nhật tham gia thị trường xăng dầu, DN trong nước bảo "cứ bình tĩnh"

Chiều 10/10, ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8 có mặt tại trạm xăng dầu Thăng Long đội mưa hàng tiếng đồng hồ, cúi chào khách vào đổ xăng. Ảnh: Diệu Thùy
Chiều 10/10, ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8 có mặt tại trạm xăng dầu Thăng Long đội mưa hàng tiếng đồng hồ, cúi chào khách vào đổ xăng. Ảnh: Diệu Thùy
TPO - Khẳng định với PV Tiền Phong, các chuyên gia cho rằng việc đại gia xăng dầu lớn thứ hai tại Nhật Bản - Indemitsu Kosan tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy sự cạnh tranh và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Đại diện một số doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối cho rằng, cần thời gian để chứng minh tính hiệu quả.

“Lần đầu tiên tôi được chứng kiến nhân viên cây xăng vui vẻ cúi chào và nhẹ nhàng hỏi tôi có cần lau qua kính xe ô tô khi tôi dừng xe để đổ xăng. Các xe khác mua xăng cũng được phục vụ như vậy. Giẻ lau cũng được chủ cây xăng đầu tư chính là loại giẻ lau kính chuyên dụng cho ô tô. Chắc chắn tôi sẽ quay lại đây để mua xăng các lần tiếp theo”, anh Nguyễn Đức Cường (Đội Cấn, Hà Nội) chia sẻ sau khi mua xăng tại cây xăng ở Khu Công nghiệp Thăng Long do Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 (Nhật Bản) sở hữu.

Anh Cường cho biết, thấy anh em trong công ty bàn tán nhiều về việc DN Nhật Bản mở cây xăng ở  Khu Công nghiệp Thăng Long, trên đường đi làm về, tối 10/10 anh rẽ vào mua xăng và chứng kiến cảnh nhân viên cây xăng đồng loạt cúi chào anh và các khách hàng khác khi vào mua xăng. Khi thanh toán, nhân viên cây xăng dùng cả hai tay để đưa lại tiền cho khách. Đây là hành động ít thấy ở các cây xăng khác ở Hà Nội cũng như các địa phương mà anh vào đổ xăng trước đây.

Một số khách mua xăng tại cây xăng này cũng bày tỏ sự tin tưởng về việc các cây xăng cảu Idemitsu Q8 quản lý được trang bị hệ thống phần mềm cho phép quản lý chính xác số lượng nhiên liệu đến 0,01 lít cũng như cho phép cung cấp báo cáo chi tiết các giao dịch cho khách hàng. Việc tại cây xăng của IQ8 có trang hệ thống phần mềm quản lý trạm tự động cho phép thanh toán bằng thẻ với nhiều tính năng ưu việt cũng được đánh giá khá cao.

Trao đổi với PV Tiền Phong, thừa nhận việc đại gia Nhật Bản tham gia bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam là một bước tiến trong việc thúc đẩy sự cạnh tranh của thị trường, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn đề nghị không nêu tên cho rằng, việc Idemitsu Q8 khai trương cửa hàng nằm bên trong Khu công nghiệp Thăng Long hoạt động hiệu quả thế nào sẽ cần thời gian để chứng minh.

Theo vị này, do đặc thù Idemitsu Q8 mới có một cửa hàng và lại nằm trong khu công nghiệp nên có thể thực hiện được việc chăm sóc kỹ cho các khách hàng bằng việc lau kính xe cho khách. Với một cây xăng nằm trong khu vực nội đô, khi vào giờ cao điểm, lượng khách đông, việc lau kính xe cho khách sẽ không thể thực hiện được bởi khi đó việc ùn tắc sẽ xảy ra.

“Khi anh có một chuỗi các cửa hàng xăng dầu ở nhiều khu vực khác nhau mà vẫn thực hiện tốt các việc này thì thật sự các DN trong nước phải học tập. Khi đó việc đánh giá hiệu quả phục vụ giữa các đơn vị sẽ chính xác và khách quan hơn”, vị này nói.

Phó Tổng giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm cho rằng, Petrolimex cũng như các DN xăng dầu đầu mối khác đều có những quy định, những văn hóa DN riêng. DN nào cũng muốn thực hiện tốt việc phục vụ khách hàng. “Petrolimex hiện triển khai quy trình 5 bước trong phục vụ khách hàng. Khách vào cửa hàng là nhân viên chào hỏi, mời khách hàng nhìn, kiểm tra cột bơm đã quay về số 0 hay chưa, bơm xong mời khách kiểm tra số tiền…”, ông Năm nói và cho hay các chương trình đào tạo quy trình kinh doanh văn minh thương mại cũng được tập đoàn hết sức chú trọng.

Thị trường xăng dầu sẽ có sự thay đổi

Phó tổng giám đốc một DN xăng dầu lớn ở TPHCM cũng thừa nhận, việc Idemitsu Q8 tham gia thị trường xăng dầu sẽ là động lực để các doanh nghiệp hoàn thiện dịch vụ và mang lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng.

“Các DN xăng dầu trong nước thực tế cũng đã chuẩn bị sẵn tâm thế cho sự cạnh tranh này từ nhiều năm qua. Việc chiếm được thị trường xăng dầu cũng không phải là việc dễ vì sẽ còn liên quan đến chi phí vốn đầu tư, vị trí điểm bán, mạng lưới phân phố cũng như nhiều yếu tố khác nữa liên quan đến nguồn hàng và lượng xuất bán hàng ngày, hàng tháng”, vị này nói. Vị này cũng khẳng định, trong giai đoạn đầu các doanh nghiệp xăng dầu có vốn nước ngoài khó có thể thay thế ngay được các ông lớn chiếm thị phần nhiều năm qua như Petrolimex,  PVOil hay Saigon Petro.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS TS Ngô Trí Long khi trao đổi với PV Tiền Phong  cũng cho rằng vấn đề hiện nay là theo các điều khoản đã ký trong Hiệp định thương mại của WTO và các hiệp định FTA khác, Việt Nam không mở cửa phân phối năng lượng, cụ thể là mặt hàng xăng dầu. Liên doanh Nhật được tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu là do họ tham gia vào nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, họ được chế biến, phân phối và bán lẻ trong nội địa Việt Nam. Theo ông Long, việc

Theo ông Long, việc Idemitsu Q8 cần có thêm các cơ chế để tạo ra các lực cạnh tranh mới, giảm bớt thế độc quyền, thống lĩnh thị trường của các DN như Petrolimex, PVOil, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng. Với việc DN Nhật Bản bán xăng có máy móc với độ đo chính xác đến 0,001 lít sẽ giúp khách hàng không lo bị móc túi từ các trò gian lận khi bơm xăng, giúp việc cạnh tranh minh bạch hơn.

“Người Nhật Bản họ nổi tiếng với sự trung thực, chu đáo trong phục vụ, phương pháp kinh doanh hợp lý như vậy sẽ là một động thái mới buộc các DN xăng dầu trong nước phải thay đổi. Tuy nhiên việc phải cạnh tranh với Petrolimex, PVOil hay với Saigon Petro, vốn đang sở hữu hàng nghìn cửa hàng bán lẻ ở các vị trí đắc địa, việc cạnh tranh sẽ không hề dễ dàng”, ông Long nói.

Petrolimex trần tình về việc treo khẩu hiệu ủng hộ hàng Việt tại các cây xăng

Lý giải về việc thời gian gần đây các cửa hàng của Petrolimex đồng loạt treo băng rôn kêu gọi hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong bối cảnh nhiều người dân ở Hà Nội hào hứng với việc Công ty Idemitsu Q8 (IQ8) có phong cách phục vụ tận tình với khách hàng, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho rằng, việc các cửa hàng của Petrolimex treo băng rôn như trên đã được thực hiện từ trước thời điểm Công ty Idemitsu Q8 khai trương cửa hàng xăng dầu 100% vốn FDI tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội.

Theo lãnh đạo Petrolimex, việc treo băng rôn nhằm  nhằm hưởng ứng chương trình của Bộ Công Thương phát động nhiều năm nay về việc khuyến khích người Việt dùng hàng Việt. “Việc treo băng rôn được thực hiện từ ngày 14/9/2017 sau khi Tạp chí Công Thương có văn bản gửi lãnh đạo Petrolimex đề nghị phối hợp cổ động cho chương trình tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex từ ngày 25/9 đến 15/10. Với chương trình hàng Việt, Petrolimex đã triển khai 3 năm nay rồi”, ông Năm nói và khẳng định không có chuyện vì một cửa hàng của DN Nhật Bản tham gia thị trường mà đơn vị phải kêu gọi như vậy.

MỚI - NÓNG