Cùng ngày, báo chí Nga đưa tin, Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych đang ở trên lãnh thổ Nga.
“Tôi muốn kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên bang Nga tôn trọng những thỏa thuận cơ bản về sự hiện diện quân sự của Nga tại Crimea”, Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov nói, và cảnh báo các lực lượng từ Hạm đội Biển Đen của Nga không nên di chuyển ra khỏi căn cứ hải quân ở bán đảo này.
Ngày 27/2, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Nga sẽ tuân thủ các thỏa thuận liên quan Hạm đội Biển Đen tại Crimea. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây tăng cao, Tổ chức Quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) vừa thông báo họ sẽ tiếp tục hỗ trợ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Hôm 27/2, lực lượng an ninh Ukraine phong tỏa hai tòa nhà chính quyền ở thành phố Simferopol (thủ phủ vùng Crimea) bị các tay súng chiếm giữ. Các nhà quan sát cho rằng, vụ việc ở Simferopol là một biểu hiện nữa của sự gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov nói rằng, vụ cướp tòa nhà là do “những kẻ khiêu khích” gây ra và khu vực xung quanh hai tòa nhà đã được phong tỏa để đề phòng đổ máu.
Lãnh đạo Crimea, ông Anatoliy Mohylyov, phát biểu trên truyền hình địa phương rằng, sẽ tham gia đối thoại với các tay súng, trong khi những người chiếm hai tòa nhà vẫn chưa đưa ra yêu cầu hay thông báo gì. Họ chỉ trưng tấm biển có dòng chữ “Crimea thuộc Nga” và cắm cờ của Nga trên cả hai tòa nhà này. Lãnh đạo Crimea cho biết sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về mở rộng quyền tự trị của khu vực này.
Crimea được chuyển từ Nga sang cho Ukraine từ năm 1954, nhưng người Nga vẫn chiếm đa số trên bán đảo này. Những người Ukraine bản xứ trung thành với Kiev và nhóm dân tộc Hồi giáo Tatar đã lập một liên minh để phản đối bất kỳ động thái nào nhằm đưa Crimea trở về Nga.
Hôm 26/2, những người theo chủ nghĩa ly khai ủng hộ Nga và những người ủng hộ chính quyền mới ở Ukraine xung đột với nhau ở thành phố này, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng, 30 người phải nhập viện.
Thủ tướng Ukraine tạm quyền Arseniy Yatsenyuk phát biểu hôm 26/2: “Ở Crimea, chúng ta luôn có những ý kiến và các lực lượng khác nhau cố gắng chia cắt đất nước và tuyên bố ly khai”. Nhưng Ukraine “có thể giải quyết được”, ông nói. Nội các lâm thời của Ukraine đã chính thức ra mắt tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev - trung tâm của làn sóng biểu tình 3 tháng qua.
Ngày 27/2, Quốc hội Ukraine phê chuẩn ông Arseniy Yatsenyuk, lãnh đạo biểu tình thân Liên minh châu Âu (EU), là tân thủ tướng của nước này, đồng thời phê chuẩn danh sách nội các mới, trong đó có quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ihor Tenyukh và quyền Bộ trưởng Ngoại giao Andriy Deshchitsya. Cùng ngày, các chính đảng trong Quốc hội Ukraine ký thỏa thuận lập liên minh “Sự lựa chọn châu Âu” gồm 250 nghị sĩ.
Ông Yanukovych đang ở Nga
Ngày 27/2, báo chí Nga, trong đó có các hãng tin RIA-Novosti, Itar-Tass và Interfax, đưa tin, Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych đang có mặt trên lãnh thổ Nga và đã đề nghị Nga bảo vệ mình. “Xem xét việc Tổng thống Yanukovych đã khẩn cầu chính quyền Nga bảo đảm an ninh cá nhân cho ông ấy, tôi thông báo rằng yêu cầu này đã được chấp nhận trên lãnh thổ của Liên bang Nga”, hãng tin Nga Interfax dẫn nguồn tin từ chính phủ Nga.
Kênh truyền hình Nga RBC dẫn các nguồn tin nói rằng, ông Yanukovych đến Mátxcơva tối 25/2 và sau đó được đưa tới khu nghỉ dưỡng Barvikha.
“Tôi vẫn coi mình là lãnh đạo hợp pháp của nhà nước Ukraine, được người Ukraine bầu lên trong một cuộc bỏ phiếu tự do”, ông Yanukovych tuyên bố hôm 27/2. Ông rời Kiev hồi tuần trước, khi liên tiếp diễn ra các cuộc đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động.
Mỹ vừa thông báo kế hoạch cung cấp khoản vay bảo đảm trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine, đồng thời cảnh báo Nga không nên hành động quân sự ở quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Crimea.
Quan chức phụ trách ngoại giao EU Catherine Ashton không nói rõ EU sẽ trợ giúp bao nhiêu, chỉ cho biết sẽ làm việc với Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Nhật báo Kommersant của Nga dẫn lời đại diện thương mại Nga ở Ukraine hôm 26/2 nói rằng, Bộ Kinh tế Nga đã vận động được một số doanh nhân nước này đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Crimea. Trong đó, khoảng 1,4 tỷ USD sẽ được rót cho xây dựng lại đường sá và 1,8 tỷ USD cho các dự án liên quan cảng biển.
Đợt tập trận của Nga với sự tham gia của 150.000 lính, 880 xe tăng, 90 máy bay chiến đấu và 80 tàu hải quân đến hôm qua đã bước sang ngày thứ hai và đang ở trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”.
Hôm 26/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ ra lệnh tập trận khẩn cấp để kiểm tra khả năng sẵn sàng tác chiến của các lực lượng ở miền trung và miền tây đất nước, nơi có chung biên giới với Ukraine.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ lo ngại về tình trạng mà Mátxcơva mô tả là “vi phạm nhân quyền tràn lan ở Ukraine”.