Theo báo Izvestia, Quân đội Nga sẽ được trang bị một loại máy bay không người lái (UAV) nhỏ gọn mang tên "Hiệp sĩ" (Vityaz). UAV này có thể bay trên không liên tục 12 tiếng và có thể bay xa hơn 1.000 km, có thể phát hiện các xe tăng, xe bọc thép và thậm chí là một người lính núp dưới hào.
Thành tựu này được phát triển bởi Trung tâm khảo kiểm nghiệm Robotics (GNIITS) thuộc Bộ Quốc phòng Nga phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển các hệ thống điện tử Zavant. Đặc biệt, đây sẽ là UAV có trọng lượng nhẹ và nhỏ gọn nhất trên thế giới được trang bị hệ thống radar.
Hiện tại, UAV Vityaz đang tiếp tục được hoàn thiện trước khi được thử nghiệm trong một dự án hợp tác với Trung tâm robot của Bộ Quốc phòng Nga. Khi kết thúc thử nghiệm, UAV này sẽ được trang bị một hệ thống radar mới để theo dõi và phát hiện mục tiêu. Vào đầu năm sau, nó sẽ được Bộ Quốc phòng Nga trực tiếp kiểm tra, nguồn tin tiết lộ với Izvestia.
“UAV "Hiệp sĩ" sẽ được trang bị cho các lực lượng đặc biệt sử dụng trong quá trình chiến đấu. Ngoài ra, UAV này có thể lẻn ra phía sau lưng của đối phương để phát hiện các mục tiêu như các xe chiến đấu bọc thép và nhiều mục tiêu quan trọng khác”, theo Izvestia.
Vityaz (Hiệp Sĩ) là một máy bay không người lái nhỏ, trông giống như một bản sao nhỏ của các máy bay chiến đấu. Sải cánh dưới 50 cm và chiều dài không quá 150 cm. Thân và cánh của UAV được làm hoàn toàn bằng vật liệu composite được gia cố bằng sợi carbon, trọng lượng cất cánh tối đa của nó không quá 30 kg.
UAV này được gắn một động cơ dầu hỏa nhỏ nhưng mạnh mẽ, giúp UAV này có thể bay với tốc độ 180 km/h, nếu được tiếp nhiên liệu, nó có thể bay một quãng đường khoảng 1.200 km và thời gian bay lên đến 12 tiếng.
Yếu tố quan trọng độc đáo của UAV này là nó được trang bị một hệ thống radar độc đáo, được phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu và phát triển các hệ thống điện tử Zavant ở Smolensk, radar này có trọng lượng chỉ hơn 1 kg. Radar có thể phát hiện mục tiêu và truyền tải về trung tâm ở khoảng cách vài km, ngay cả các mục tiêu được ngụy trang tinh vi kỹ lưỡng cũng không thể "qua mắt" được hệ thống radar này.
"Hiện tại, các UAV được trang bị radar là khá hiếm, chỉ có quân đội Mỹ có các UAV tương tự khi được nâng cấp như Scan Eagle, MQ-1C, hay của quân đội Israel như UAV Elbit Hermes 900. Tuy nhiên, thiết kế UAV trên không thể so sánh với UAV "Hiệp sĩ" của Quân đội Nga về kích thước và nhiều điểm khác. UAV của Mỹ hay Israel có trọng lượng hơn 1 tấn, sải cánh lên đến 15 m, và chi phí đến vài triệu đô la và cần những cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh," chuyên gia quân sự Yury Ljamin cho biết với Izvestia.
Theo nhận xét của các chuyên gia, chiếc UAV "Hiệp sĩ" này có quãng đường cất cánh lớn hơn một chút so với các các máy bay mô hình lớn nhất, và nó không cần phải có đường băng. Tuy nhiên, nó có thể sánh ngang với các UAV nước ngoài về phạm vi hoạt động, tốc độ và nhiều tính khác.