Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, theo kế hoạch trồng rừng vụ xuân năm 2024, Tuyên Quang phấn đấu trồng mới 10.500 ha. Để đảm bảo diện tích trồng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch giao diện tích trồng cho các huyện.
Trên cơ sở đó, UBND các huyện giao tới các xã, doanh nghiệp, các chủ rừng, HTX….Từ kế hoạch này, thôn mới đôn đốc các hộ có diện tích rừng đến tuổi thì khai thác để đáp ứng kế hoạch khai thác và để lấy đất trồng lại.
Hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng |
Hiện, Tuyên Quang có hơn 20 vườn ươm, với lượng giống cung cấp từ 16-18 triệu cây các loại.
Thời điểm trồng rừng hiệu quả nhất từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm.
Trên địa bàn tỉnh cũng có trên 40 đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đang hăng hái thi đua gieo trồng, chăm sóc cây giống để đảm bảo cung ứng phục vụ trồng rừng theo kế hoạch.
Năm 2024, toàn tỉnh dự kiến sẽ sản xuất 30 triệu cây giống, trong đó có hơn 20 triệu cây phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh, số còn lại cung ứng cho người trồng rừng tại các tỉnh lân cận.
Để đảm bảo công tác trồng rừng đạt kết quả, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ nguồn gốc giống khi đưa vào gieo ươm, nâng cao tỷ lệ giống sản xuất từ công nghệ nuôi cấy mô. Đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao hiệu quả rừng trồng.
Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, khuyến nông kiểm tra, hướng dẫn các hộ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây rừng đúng quy trình kỹ thuật; khuyến cáo nhân dân chỉ mua cây giống tại những cơ sở có uy tín, được cơ quan nhà nước cấp giấy phép sản xuất và kinh doanh cây giống; hướng dẫn các cơ sở sản xuất tăng tỷ lệ sử dụng giống cây mô, hom, cây rừng bản địa, cây đa tác dụng, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu kết hợp dưới tán rừng, ưu tiên ươm giống cây có năng suất, chất lượng cao phục vụ trồng rừng sản xuất quy mô lớn, trồng rừng gỗ lớn.
Chủ động cây giống giúp kế hoạch trồng rừng đạt hiệu quả cao |
Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, người dân thì những cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh đã giúp việc trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp của người dân hiệu quả hơn.
Liên quan đến việc nắng nóng trong năm đến sớm, Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, đã chuẩn bị phương án.
Cây chuẩn bị sẵn rồi, hố cuốc rồi, mưa xuống là trồng cây ngay. Sau khi trồng, một tháng sau không có mưa cây cũng không bị chết" - Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang.
Cụ thể là cây giống được chuẩn bị sẵn, vận chuyển đến chân lô hoặc tập kết ở ngay tại khu rừng sẽ trồng - nơi gần với người dân nhất để tiện cho việc chăm bón.
Cùng với đó, giải phóng đất đai, cuốc hố, bón phân. Khi thời tiết thuận lợi là đem trồng ngay. Lúc đó nắng đến sớm hay đến muộn không quan trọng nữa. Nếu nắng đến sớm, mùa vụ chưa đến mà mang cây đi trồng thì tỷ lệ sống sẽ thấp. Do đó, khuyến cáo bà con phải trồng đúng mùa vụ.
"Cây chuẩn bị sẵn rồi, hố cuốc rồi, mưa xuống là trồng cây ngay. Sau khi trồng, một tháng sau không có mưa cây cũng không bị chết", ông Khoa nhấn mạnh.
Theo cơ quan chuyên môn, thời điểm trồng rừng hiệu quả nhất từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm, thời điểm này đang là thời điểm lý tưởng để người dân trồng rừng.
Chi cục kiểm lâm đang chỉ đạo các Hạt dồn lực lượng để thực hiện cung cấp gần 4,5 triệu cây tương đương với trồng 3.324 ha rừng năm 2024 cho nhân dân trồng rừng, đảm bảo trồng rừng trong khung thời vụ tốt nhất và giữ vững độ che phủ rừng của tỉnh đạt 65%.