Tối 17/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023 - tuyên dương các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại các xã khó khăn khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự chương trình có ông Phạm Tất Thắng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam; ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội; anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; bà Trần Phương Nga - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Long.
Tiết mục văn nghệ trong chương trình lễ tuyên dương. Ảnh: BTC |
Trong số 58 thầy cô giáo được tuyên dương, giáo viên lớn tuổi nhất là cô giáo Nguyễn Thị Ngà (SN 1970), công tác tại Trường Tiểu học An Quang, huyện An Lão, tỉnh Bình Định thời gian công tác 32 năm 9 tháng; cô giáo Lý Thị Lam (SN 1970), công tác tại Trường TH&THCS Quang Phong, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn thời gian công tác 22 năm.
Giáo viên trẻ tuổi nhất là thầy giáo Trần Lê Minh Chiến (SN 1996), công tác tại Trường PTDTBT TH & THCS Sơn Màu, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi với thời gian công tác 5 năm 1 tháng; thầy giáo Nguyễn Thanh Dương (SN 1996), công tác tại Trường THCS Minh Tân, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, thời gian công tác 6 năm 3 tháng.
Trong số các giáo viên được tuyên dương, nhiều thầy cô là người dân tộc thiểu số, gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Sán Dìu, Mường, Thái, Giáy, Mông, Khmer, Cơ Tu.
Thầy giáo Vũ Văn Tùng chia sẻ tại chương trình. Ảnh: BTC |
Tại chương trình đã diễn ra phần giao lưu giữa các thầy giáo, cô giáo với học sinh, phụ huynh. Thầy giáo Vũ Văn Tùng (Trường tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó, H.Ia Pa, tỉnh Gia Lai) chia sẻ về những mô hình, phần việc vận động học sinh đi học.
Trong đó có mô hình "Tủ bánh mỳ 0 đồng" hỗ trợ bữa ăn sáng cho hơn 200 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại các điểm trường và người dân nghèo sống tại điểm trường, mô hình "Trao sinh kế cho học sinh nghèo" bằng việc hỗ trợ nuôi đàn bò để học sinh có tiền đi học.
Thầy Tùng cho biết, trường thầy công tác đóng ở 2 xã khó khăn, với hơn 90% dân số là dân tộc Ba Na. Nhiều học sinh bụng đói, chỉ học nửa buổi học lại trốn về để kiếm cái ăn. Để các em no bụng, thầy Tùng đã mang bao đi xin từng lon gạo. "Có lần tôi vào đúng nhà đồng nghiệp, mở thùng gạo ra chỉ còn một ít thôi, nhưng thầy giáo bảo tôi cứ đổ tất vào bao mang về cho các em", thầy Tùng nói.
Tại chương trình, thầy Tùng bất ngờ gặp học sinh của mình là bạn Thúy Vân, hiện là sinh năm thứ 4 Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng). Thúy Vân cho biết, những năm học THCS đã nhận được sự dạy dỗ, quan tâm của thầy Tùng. Thầy Tùng không chỉ lo từng bữa ăn sáng, từng cái bút, cuốn sách, cuốn vở cho học sinh mà còn lo cả kinh tế gia đình cho học sinh, tặng con bò nuôi để học sinh có tiền đi học.
Những bài học thiêng liêng về tình nghĩa thầy trò
Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Kim Quy - Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, 58 thầy cô giáo được lựa chọn tuyên dương đã nỗ lực vượt bậc để hoàn thành nhiệm vụ, đạt thành tích cao trong công tác. Các thầy, cô, với tất cả sự tận tụy, tâm huyết, không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh, mà còn trở thành những tấm gương tiêu biểu để các em noi theo, nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
“Mặc dù hoàn cảnh khác nhau nhưng các thầy, cô giáo tham dự chương trình lần này đều có điểm chung, họ đã chọn việc khó khăn để nhiều người được làm việc nhẹ nhàng, đã chọn cuộc sống gian khổ để viết nên những bài học thiêng liêng về tình nghĩa thầy trò và tình yêu quê hương, Tổ quốc”, anh Quy nói.
Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam hy vọng, chương trình Chia sẻ cùng thầy cô với ý nghĩa nhân văn sâu sắc sẽ cổ vũ, động viên các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp thêm sức mạnh để các thầy, cô giáo vượt qua mọi thử thách, không ngừng tìm tòi sáng tạo những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất, góp phần tạo nên những thế hệ người Việt Nam thời kỳ mới, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Anh Nguyễn Kim Quy phát biểu tại chương trình. Ảnh: BTC |
Bà Trần Phương Nga, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Long cho biết: “Bằng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Thiên Long nhận thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của chương trình theo từng năm. Mỗi năm, chúng tôi có thêm các nguồn lực để chung tay góp sức để hoạt động tri ân thầy cô ý nghĩa hơn. Sức lan tỏa này mạnh mẽ từ không gian địa lý ở 3 miền đất nước, mở rộng với các không gian mạng xã hội với sự tham gia của người trẻ và hơn hết là sự lan tỏa không gian chiều rộng trong lòng mỗi con người, để thổi bùng lên truyền thông tôn sư trọng đạo đáng quý”.
Tại chương trình, Ban Tổ chức đã trao tặng Bằng khen của T.Ư Hội LHTN Việt Nam; biểu trưng của Chương trình và Sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Uỷ ban Dân tộc.
Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương trao biểu trưng và quà tặng cho giáo viên được tuyên dương. Ảnh: BTC |
Ban Tổ chức và các giáo viên trong chương trình lễ tuyên dương. Ảnh: BTC |