Thăng hàm cấp tướng cho 313 sĩ quan
Trình bày dự thảo Báo cáo về công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã thăng quân hàm cấp Tướng cho 194 sỹ quan quân đội, thăng quân hàm Đô đốc Hải quân cho 1 người. Chủ tịch nước thăng quân hàm cấp Tướng cho 119 sỹ quan công an.
Về bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự cấp cao của Nhà nước, trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã đề nghị Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước đã bổ nhiệm 6 Phó Thủ tướng Chính phủ, 25 Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; miễn nhiệm 1 Phó Thủ tướng Chính phủ…
Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước cho nhập trở lại Quốc tịch Việt Nam đối với hơn 3.000 người; cho thôi Quốc tịch Việt Nam đối với hơn 32.000 người… Trong lĩnh vực hành pháp, Chủ tịch nước cùng Phó Chủ tịch nước thường xuyên quan tâm, theo dõi, nắm tình hình mọi mặt của đất nước, trong đó có tình hình quốc phòng - an ninh, tình hình biển Đông, những vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm.
Nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã ban hành các quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 43.999 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, tạm giam và 609 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến lĩnh vực lập pháp với khối lượng công việc đồ sộ được giải quyết. Trong đó phải kể đến việc tham gia tổng kết thi hành và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, tập trung vào chế định Chủ tịch nước…
“Với cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Trung nói.
Mạnh hơn chút nữa sẽ lay động lòng dân hơn
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, dự thảo báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước không cần dài, nhưng phải toát lên được vai trò đối nội, đối ngoại của một nguyên thủ quốc gia. Bên cạnh đó có thể đưa ra những kiến nghị, chẳng hạn như kiến nghị rút ngắn khoảng cách quyền lực giữa phiên họp Quốc hội và Đại hội Đảng toàn quốc như nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã từng đề nghị.
Theo Chủ tịch Quốc hội, điều quan trọng khi kết thúc nhiệm kỳ của một nguyên thủ quốc gia cần nhấn mạnh là cái gì cần rút kinh nghiệm? Bài học kinh nghiệm của một nhiệm kỳ Chủ tịch nước có gì không để thế hệ tiếp theo kế thừa?
“Những tuyên bố của Chủ tịch nước gây ấn tượng rất mạnh, làm các cấp trong toàn hệ thống chính trị phải soi lại mình. Nhưng nếu đồng chí nhấn thêm chút nữa, mạnh mẽ hơn chút nữa chắc sẽ động lòng dân nhiều hơn”
Ông Nguyễn Văn Giàu
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng đánh giá cao nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, đặc biệt về công tác đối ngoại đã có đóng góp rất lớn, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Các chuyến đi công tác đối ngoại của Chủ tịch nước làm tăng thêm sức mạnh về kinh tế, quốc phòng an ninh.
“Vai trò của Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước đã động viên sức mạnh cả hệ thống chính trị và sức mạnh toàn dân. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc của Chủ tịch nước với lực lượng vũ trang rất xúc động, thực chất, xuất phát từ thực tiễn chứ không phải hình thức. Những tuyên bố của Chủ tịch nước gây ấn tượng rất mạnh, làm các cấp trong hệ thống chính trị phải soi lại mình. Nhưng nếu đồng chí nhấn thêm chút nữa, mạnh mẽ hơn chút nữa chắc sẽ động lòng dân nhiều hơn”, ông Giàu nói.
Đồng tình với đánh giá trên, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị phải đề cập rõ vai trò của Chủ tịch nước với công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt là những phát biểu về “bầy sâu tham nhũng” tại các buổi tiếp xúc cử tri, giờ hiệu quả ra sao?
Nhiều đại biểu cũng đề nghị làm rõ vai trò của Chủ tịch nước xoay quanh việc hoàn thiện thể chế và chính sách. “Báo cáo không cần dài nhưng phải toát lên được vai trò của người đứng đầu Nhà nước, những nhiệm vụ, quyền hạn, cũng như công tác hoạt động của Chủ tịch nước ra sao?…”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.