Chiều 20/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phân biệt việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có luật và đưa người ra nước ngoài làm việc trái phép bằng cách đi du lịch, thăm thân rồi ở lại lao động. Có những trường hợp hết thời hạn, nhưng lại trốn ở lại.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhờ người lao động ở nước ngoài, nhiều nhà khá lên, xây nhà tầng, nhưng cũng có những trường hợp rất thương tâm, đem con bỏ chợ. Đồng tình với các ý kiến phát biểu trước đó, bà Ngân cho rằng, có những công việc đi làm thậm chí còn ảnh hưởng đến thể diện quốc gia, nên luật phải tiếp cận, nâng cao hơn góc độ đó, phải có lựa chọn đi theo ngành nghề có giá trị gia tăng cao, không phải lao động phổ thông nữa.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý gắn với việc làm trong nước, để hết thời gian làm việc ở nước ngoài về tìm được việc. Rồi các chính sách BHXH sang bên kia như thế nào, về được đóng tiếp ra sao cũng phải được làm rõ. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xử lý nghiêm hành vi lợi dụng, đưa người đi để trục lợi bất chính, vô trách nhiệm, bỏ rơi lao động khi họ gặp khó khăn.
Đề nghị cân đối đưa người lao động đi nước ngoài, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, thực tế đất nước đang thiếu lao động. Ngay cả nông thôn cũng thiếu lao động nhất là với lực lượng lao động trẻ.
Ông Lưu cũng đề nghị ban soạn thảo luật phải chú ý đến tính khả thi, đừng đưa ra những gì cao siêu quá. Ông ví dụ, quy định về quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, họ được hưởng tiền lương, đãi ngộ, vậy đãi ngộ ở đây là gì? “Người lao động chỉ hưởng lương, phụ cấp là tốt rồi. Còn về kỷ luật lao động, quản lý điều hành phải quy định rõ”, ông Lưu đề nghị.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh- Võ Trọng Việt nói “quê tôi cả xã đi xuất khẩu lao động”, và đi ra ngoài là đem hình ảnh thông minh, sáng tạo của người Việt ra thế giới. “Tôi đi một số nước thấy được đánh giá cao”, ông Việt nói.
Băn khoăn việc các hành vi lợi dụng, vi phạm nhưng phát hiện chưa kịp thời, chưa nghiêm, ông Việt đề nghị cần xem luật có lỗ hổng gì không? “Có ý kiến cho rằng, do tổ chức thực hiện cần xem chặt chẽ hơn. Lợi dụng làm mất hình ảnh, làm khổ người dân, phải nghiên cứu thắt chặt, đồng bộ, chặt chẽ hơn. Phải làm sao cho tổ chức cá nhân không lợi dụng làm ăn bất hợp phát được”, ông Việt đề nghị.
“Tôi nhiều năm ở biên giới, băn khoăn hợp đồng lao động ở cư dân sát biên giới, phải làm sao đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đi hợp pháp, bất hợp pháp đều có, quyền lợi của người dân thì thiệt nhiều. Nên phải tuyên truyền cho người dân, phải có hình thức đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng, làm sao đảm bảo được quyền lợi cho họ”, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho hay.