Tướng Võ Trọng Việt: Trên rừng toàn 'đại ca', chưa thấy nhà khoa học nào lên ở

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh
TPO - “Nói là rừng vàng nhưng có ai chịu lên trên ấy không? Tôi chưa thấy nhà khoa học nào lên đấy ở cả, mà chỉ thấy toàn đại ca nhiều, đại gia ít”, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh nhìn nhận.

Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/9, trình bày tờ trình phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, đầu tư phát triển KT-XH cho vùng đồng bào là đầu tư cho phát triển, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Đi liền với đó là xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo ông Chiến, mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% đến 5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2020; trên 80% lao động từ 18 tuổi trở lên có việc làm với thu nhập ổn định; trên 90% đường ở thôn, bản được cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải…

Về kinh phím theo ông Chiến, đề xuất trong đề án tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương rất lớn, khó có thể đáp ứng. Do vậy Chính phủ đề nghị Quốc hội phê duyệt chủ trương và các nội dung chủ yếu của đề án, khi xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. “Chính phủ sẽ tổng hợp, cân đối và trình Quốc hội theo quy định của Luật đầu tư công và Luật ngân sách Nhà nước”, ông Chiến cho hay.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đề án, theo ông Võ Trọng Việt, đề án này phải Thủ tướng hoặc một Phó thủ tướng phụ trách, nếu để Bộ trưởng làm thì “không an toàn”.

Ông cũng cho rằng, việc đầu tư cho đồng bào dân tộc rất thấp. “Tôi thường nói ở trên cao nhưng đầu tư rất thấp, ở dưới thấp nhưng đầu tư rất cao, sao mâu thuẫn thế? Nói là rừng vàng nhưng có ai chịu lên trên ấy không? Tôi chưa thấy nhà khoa học nào lên đấy ở cả, mà chỉ thấy toàn đại ca nhiều, đại gia ít. Nếu có đại gia nhiều, anh nào tài giỏi thì đề án này kêu gọi thu hút các đại gia lên đây. Toàn đại ca chặt rừng, chặt gỗ thì làm sao phát triển cho được? Tôi thấy khó là khó như thế”, Thượng tướng Võ Trọng Việt nhìn nhận.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh, trong 10 – 15 năm tới, cần ban hành chính sách thế nào để người dân trên rừng sống bằng rừng, khá bằng rừng.

Trong lĩnh vực y tế, ông Việt mong muốn dân y và quân y “phủ sóng” được tới tận thôn bản. “Việc này không mất nhiều tiền. Anh em bộ đội biên phòng làm rất hiệu quả. Vì họ rất nhiệt tình, cùng ăn cùng ở với làng với dân, chia sẻ với dân… Điều quan trọng là cho cần câu chứ không phải cho con cá, mà cần câu ở đây là bằng cơ chế chính sách. Trong 10 – 15 năm tới, làm thể nào để có thể phủ sóng chăm sóc sức khỏe cho dân bằng quân dân y, như anh em Biên phòng làm. Như thế là hiệu quả. Tôi xin mấy lần tiền có được đâu, anh em tự làm, làm thật mà làm hiệu quả dù không có tiền”, ông Việt cho hay.

Bên cạnh đó, Tướng Việt cũng ủng hộ việc trồng dược liệu trên vùng cao, rất hiệu quả, có thể làm cả vùng thay đổi nhận thức, thay đổi kinh tế, nhưng lại không mất nhiều tiền. “Vân đề chính là cách làm, làm sao nhận thức bà con chuyển đổi. Thứ hai là bám dân làng, bám bà con, bám địa bàn. Còn đầu tư dự án xong rồi rồi bỏ đó, sống chết mặc bay là không ăn thua. Hết dự án, cán bộ dự án về là dự án bỏ”, ông Việt nói.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.