Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh vừa tổ chức hội nghị giám sát “việc thi hành chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng” đối với các bộ, ngành là thành viên Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia.
Trước tình trạng liên tục xảy ra các sự việc về an ninh, an toàn hàng không, đoàn giám sát đặt câu hỏi, nguyên nhân phải chăng là do sự tăng trưởng nóng của hãng? Bên cạnh đó, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh còn đề nghị Bộ Y tế báo cáo thêm về vấn đề sức khỏe của đội ngũ phi công, nhân viên hàng không. Nêu ví dụ có vụ nhân viên quản lý bay ngủ gật, ông Hồng đề nghị cho biết có những gì bất cập gì cần khắc phục?
Qua thực tế giám sát cũng cho thấy, công tác huấn luyện, đào tạo nhân viên an ninh hàng không còn hạn chế. Với số lượng hơn 3 nghìn nhân viên an ninh theo báo cáo, ông Nguyễn Hồng Vân, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh bày tỏ sự lo lắng về tính chuyên nghiệp của họ, từ cấp phép tuyển dụng, tập huấn nghiệp vụ, đến xử lý các thông tin về an toàn, an ninh hàng không,
Thiếu tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, khi sửa Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, cần tính toán đến địa vị pháp lý của lực lượng an ninh hàng không, trong đó nghiên cứu mô hình hoạt động để phù hợp với quốc tế, để lực lượng này độc lập xử lý các vấn đề về an ninh, an toàn hàng không.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định an ninh, an toàn hàng không không chỉ là của riêng lĩnh vực hàng không mà còn liên quan đến an ninh quốc gia. Ông cũng thừa nhận lực lượng an ninh hàng không hiện nay còn hạn chế, chức năng, thẩm quyền đang còn bất cấp, nguồn nhân lực phi công, nhân viên không lưu, kỹ thuật vẫn thiếu.
Với yêu cầu àn toàn là trên hết, Trưởng đoàn giám sát, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cần quan tâm đến hệ thống tổ chức và địa vị pháp lý của lực lượng an ninh hàng không. Bởi theo ông, vị thế của an ninh hàng không còn chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ.
“Yêu cầu là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản rất lớn nhưng vị thế của an ninh hàng không còn rất thấp. Làm sao vị thế của lực lượng an ninh, an toàn hàng không trước sinh mạng của con người và tài sản lớn của đất nước thì nó phải ngang tầm”, ông Việt cho hay, đồng thời đề nghị cần đầu tư hiện đại hơn, đồng bộ hơn, trang bị phương tiện, con người để kiểm tra, kiểm soát an an ninh, an toàn tốt hơn.
Bên cạnh đó, theo ông Việt, cần duy trì, thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật đảm bảo đồng bộ, nghiêm túc, chặt chẽ trước, trong và sau khi bay; không thể chủ quan vì các sự cố đáng tiếc xảy ra đều do không thực hiện theo đúng quy trình.
Trưởng đoàn giám sát cũng nêu rõ sự cần thiết thẩm tra, xác minh chặt chẽ đội ngũ phi công, nhất là phi công nước ngoài, các bộ phận trọng yếu để đảm bảo tuyệt đối an toàn về chính trị và chuyên môn kỹ thuật. Những sơ hở, thiếu sót ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không cần được khắc phục, cả về cơ chế chính sách và trong tổ chức thực hiện. Việc quy hoạch đất sân bay, hàng rào bảo vệ sân bay, chống lấn chiếm, mất an toàn cần được quan tâm chú ý hơn.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, thị trường hàng không Việt Nam hiện có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam. Đã quy hoạch 23/23 cảng hàng không sân bay, tuy nhiên 1 số cảng ở tình trạng quá tải hoặc chưa khai thác hiệu quả.
Năm 2018, tổng số chuyến bay điều hành đạt gần 900 nghìn chuyến. Đa số các vụ việc an ninh đều do lỗi vi phạm, cố ý hoặc vô ý của hành khách. Giai đoạn 2012-2018, đã ban hành hơn 2.200 quyết định xử phạt hành chính, xử lý kịp thời, đúng đối tượng, hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cho rằng, hệ thống văn bản còn thiếu đồng bộ, vẫn để xảy ra sự cố hàng không do lỗi của tổ bay, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu. Công tác huấn luyện, đào tạo nhân viên an ninh hàng không còn hạn chế. Hệ thống hạ tầng đảm bảo an ninh tại Cảng hàng không sân bay còn những bất cập…
Trước đó, tại hội nghị tổng kết công tác an toàn hàng không năm 2018, Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quản lý nguồn nhân lực chưa chủ động, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của các hãng hàng không Việt Nam. Qua một số sự cố, vụ việc uy hiếp an toàn xảy ra cho thấy, công tác quản lý an toàn chưa chủ động nhận biết trước các rủi ro an toàn, phần lớn chỉ phát hiện rủi ro và có biện pháp khắc phục, giảm thiểu rủi ro khi sự việc đã xảy ra. Các sự cố xảy ra trong năm 2018 tập trung ở lĩnh vực khai thác tàu bay và khai thác cảng hàng không sân bay với nguyên nhân phần lớn là do yếu tố chủ quan con người của các nhân viên hàng không.