Đó là trao đổi của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, ít giờ sau khi nước Pháp xác định sơ bộ người đứng đầu điện Élysée trong 5 năm tới.
Hiện tượng Macron
PV: Thiếu tướng nhận định gì về sự kiện nước Pháp bỏ phiếu cho Emmanuel Macron, chính trị gia 39 tuổi?
Thiếu tương Lê Văn Cương: Sự xuất hiện của ông Macron, tổng thống Pháp trẻ nhất từ khi lập quốc, có nét tương đồng với sự xuất hiện của ông Donald Trump vào năm 2016. Lịch sử nước Mỹ trong suốt 240 năm, lần đầu tiên có một nhà kinh doanh làm tổng thống mà chưa từng kinh qua chính trường.
Năm 2016, xã hội Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1776. Khủng hoảng khiến người dân không tin vào giới tinh hoa nước Mỹ. Dù bà Hillary nói rất hay, họ cũng không tin. Quan điểm của người Mỹ: Giới tinh hoa nói nhiều, làm ít hoặc nói mà không làm.
Sự xuất hiện của ông Trump với khẩu hiệu "Tất cả vì nước Mỹ" là thành công. Trong điều kiện xã hội Mỹ bị chia rẽ khủng khiếp như vậy, ông Trump mới có thể trở thành tổng thống được. Ngược lại, nếu tất cả ổn định, ông Trump sẽ không có cơ hội trở thành tổng thống Mỹ.
Macron là ứng cử viên không thuộc đảng Xã hội cánh tả và đảng phong trào Cộng hòa cánh hữu, hai đảng thường xuyên thay nhau nắm quyền điều hành nước Pháp trong 58 năm qua. Sự thắng lợi của ông Macron, có thể nói, cũng phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội Pháp.
Đối với việc ông Macron thắng cử, yếu tố tích cực là sự năng động, thông minh, quyết đoán của người trẻ. Nhưng phía sau Macron là sự thật về một xã hội chia rẽ khủng khiếp.
Có thể nói, phải đến hơn 200 năm kể từ thời Napoleon, nước Pháp mới lại bị chia rẽ sâu sắc như thế. Chia rẽ đến mức mà cử tri Pháp không còn tin vào hai đảng lớn nhất của nước này.
Bà Le Pen theo chủ nghĩa cực đoan, và bức tranh "Brexit" - rời khỏi Liên minh châu Âu - cũng treo lơ lửng trên đầu nhiều người Pháp. Có thể nhiều người ủng hộ bà Le Pen, nhưng họ rất sợ "Brexit", nên họ bỏ phiếu cho ông Macron.
Đừng đùa với 34,5%
PS: Việc ông Macron giành chiến thắng áp đảo trước bà Le Pen nói lên điều gì, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc ông Macron đắc cử tổng thống khiến Brussel và hơn 550 triệu người dân châu Âu thở phào nhẹ nhõm. Bởi lẽ, nếu bà Le Pen thắng cử, chắc chắn sớm muộn gì châu Âu cũng sẽ tan rã.
Dù ông Macron chiến thắng với tỉ lệ ủng hộ lên tới 65,5%, thì vẫn còn gần 34,5% người không ủng hộ. Nên nhớ rằng, cách đây 15 năm, bố của bà Le Pen chỉ giành được 18% trong vòng 2. Sau 15 năm, Mặt trận dân tộc cực hữu này đã tăng lên gần gấp đôi..
Sự phát triển của lực lượng cực hữu dân túy là xu thế chống lại toàn cầu hóa, chống lại xu thế hợp nhất châu Âu. Với tỉ lệ này thì cứ 10 người Pháp thì có tới gần 4 người không đồng ý xu thế toàn cầu hóa.
Do đó "hiện tượng Macron" còn gửi tới châu Âu thông điệp: Nỗi lo "Brexit' vẫn còn đó!. Từ 18% lên 35% là chưa yên ổn đâu. Cộng với phong trào cánh tả ở Hà Lan, Áo đang lên là không thể đùa được. Sự xuất hiện này phản ánh châu Âu cũng như nước Pháp đang bị chia rẽ sâu sắc, đang ở giữa ngã ba đường. Đó là thách thức lớn nhất đặt ra cho nước Pháp và cả châu Âu.
34,5% là con số không hề nhỏ. Lực lượng chống xu thế toàn cầu này không thể đùa và nó có xu thế còn phát triển chứ không dừng lại ở đây. Mọi tuyên bố, cam kết có thể vấp phải sự phản đối của Quốc hội và người dân.
"Hiện tượng Macron" cho thấy phong trào dân túy trước kia mới chỉ là ngọn lửa nhỏ, giờ nó đã thành đốm lửa lớn.
Vượt qua cơ quan lập pháp
PV: Thách thức lớn nhất mà ông Macron sẽ phải vượt qua khi trở thành tổng thống là gì, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nếu như cuộc bầu cử tổng thống Pháp được cả thế giới hồi hộp dõi theo, thì cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào tháng 6 này mới quyết định tình hình nước Pháp.
Đa số ghế trong thượng viện và hạ viện hiện nay vẫn nằm trong tay hai đảng truyền thống là Đảng Xã hội cánh tả và đảng phong trào Cộng hòa cánh hữu. Đây mới là thách thức lớn nhất của ông Macron. Vì ông Macron xuất thân từ một đảng nhỏ, đảng này mới và chưa bao giờ nắm chính quyền.
Nếu ông Macron đưa ra bất kỳ chính sách gì đều phải được sự đồng thuận của hạ viện và thượng viện. Hai đảng lớn nhất vừa rồi bỏ phiếu cho ông Macron là để bầu ông làm tổng thống, bỏ phiếu cho châu Âu không tan rã. Còn khi ông Macron đã là chủ nhân điện Elysee rồi, không phải lúc nào họ cũng ủng hộ Macron.
Do đó, khó khăn lớn nhất của Macron là vượt qua được cơ quan lập pháp này. Bởi lẽ, khi ông đưa ra một chính sách kinh tế, xã hội , chính trị nào cũng đều phải được Quốc hội thông qua. Đây chính là bức tường không dễ vượt qua.
Thắng lợi này là thắng lợi của phong trào cánh tả, là thắng lợi của cả châu Âu, thắng lợi của toàn cầu hóa. Nhưng trước mặt Macron, trong 5 năm tới là cực kỳ khó khăn.
Ông Macron sẽ phải rất khôn ngoan để lôi cuốn được các nghị sỹ thuộc hai đảng khổng lồ này. Bởi các nghị sĩ này mới là người quyết định quan hệ của Pháp với thế giới. Đây là thách thức lớn nhất.
Nói gì thì nói, ông phải đi giữa hai làn đạn, ngay cả cơ quan lập pháp, hành pháp và trong xã hội Pháp để dung hòa những chia rẽ, hàn gắn vết nứt sâu trong xã hội Pháp. Việc này, tổng thống Mỹ Donald Trump đã sai lầm.
Chính sách 100 ngày đầu tiên của ông Trump đã không hàn gắn vết thương trong lòng xã hội Mỹ, mà càng làm cho nước Mỹ chia rẽ. Nếu ông Macron học bài học thất bại của ông Donald Trump thì có khả năng từng bước củng cố quyền lực của mình và thực hiện chính sách.
PV: Nếu không đạt được sự đồng thuận, liệu ông Macron có phải dùng tới quyền hạn của tổng thống là giải tán Quốc hội hay không, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tất nhiên nếu ông Macron đưa ra những chính sách mà luôn không nhận được sự đồng thuận của cả Hạ viện và Thượng viện thì ông ấy có thể dùng quyền hạn giải tán Quốc hội của mình.
Nhưng phải nói thẳng là, khi tổng thống phải dùng tới quyền giải tán quốc hội chính tỏ ông đã bị mất uy tín lắm rồi.
Ông dù có quyền thật, nhưng dùng quyền vào lúc nào, ở chỗ nào là phải hết sức cẩn thận,không là mất uy tín. Bất đắc dĩ mới phải dùng đến quyền đó, chứ không dễ dàng đâu.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!