Điện Elysee không chỉ trải hoa hồng

Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, không đồng nghĩa con đường phía trước của ông Macron sẽ trải đầy hoa hồng. Ảnh: AFP
Giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, không đồng nghĩa con đường phía trước của ông Macron sẽ trải đầy hoa hồng. Ảnh: AFP
TPO - Lãnh đạo đảng "Tiến bước" Emmanuel Macron đã đánh bại đối thủ Marine Le Pen trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 vào ngày 7/5 và trở thành Tổng thống Pháp. Chiến thắng của ông Macron cho thấy cử tri Pháp vẫn tin tưởng vào việc xây dựng một quốc gia cởi mở và hội nhập.

Tuy nhiên, giành được chiếc ghế quyền lực của nước Pháp không đồng nghĩa con đường phía trước của ông Macron sẽ trải đầy hoa hồng.

Sau cánh cửa Điện Elysee, ông Macron không có nhiều thời gian để nhâm nhi ly sâm-panh mang dư vị chiến thắng, thay vào đó ông phải bắt tay ngay vào việc giải quyết một loạt thách thức phía trước trên cương vị mới. 

Trước tiên, vị tân Tổng thống nước Pháp phải tìm kiếm những gương mặt tài năng trong đảng của mình để ra tranh cử trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới, với mục tiêu có được đa số phiếu ủng hộ tại Quốc hội Pháp nhằm tạo thuận lợi cho các chính sách mới được thông qua.

Tuy nhiên, vấn đề này đặc biệt khó khăn bởi khi bước vào cuộc đua giành ghế Tổng thống, vị cựu Bộ trưởng Kinh tế không được sự hậu thuẫn của chính đảng lâu năm nào, trong khi đó đảng Tiến bước của ông vẫn còn non trẻ và không có nền tảng vững chắc.

Đặc biệt, ông Macron còn phải tìm giải pháp hàn gắn một đất nước vốn đang có sự chia rẽ sâu sắc. Pháp đang có nhiều hố sâu ngăn cách nội bộ khi không chỉ giới tinh hoa chính trị mà các nhóm dân cư đều đang xung đột với nhau, trong đó nổi lên là bất đồng giữa một bên ủng hộ hội nhập với một bên là những người muốn quay lại tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.

Trong bối đó, sự giận dữ của người dân trước những vấn đề trong xã hội ngày càng rõ nét và họ ngày càng mất niềm tin vào giới chính trị. Bên cạnh đó, dù thất bại trước ông Macron, việc một ứng cử viên cực hữu như bà Le Pen có thể giành được sự ủng hộ của đông đảo người lao động để lọt vào vòng 2 cũng đang tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn trong xã hội.

Khôi phục lòng tin của người dân đối với các thể chế hiện hành cũng như các tư tưởng chính trị chủ lưu là điều không hề đơn giản đối với ông Macron, bởi bên cạnh nỗ lực thực hiện đầy đủ những cam kết đưa ra trước đó, tổng thống mới cũng phải đảm bảo rằng chương trình hành động của mình không phải là sự tiếp nối hay lặp lại các chính sách mà người tiền nhiệm vốn "không được lòng dân" Francois Hollande thực thi trong 5 năm qua.

Ngoài ra, để tìm ra “phương thuốc” đặc trị hữu hiệu cho nền kinh tế trì trệ hiện nay cũng là bài toán khó đối với tân Tổng thống Macron khi nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu này nhiều năm luôn tăng trưởng ảm đạm, thâm hụt ngân sách cao và tỷ lệ thất nghiệp lớn.

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh từ các mối đe dọa khủng bố cũng là một trong những thách thức đối với ông Macron. Trong số những quốc gia châu Âu, Pháp là một trong những mục tiêu hàng đầu của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Trong mấy năm gần đây, quốc gia này đã sống trong nỗi ám ảnh thường trực của hàng loạt vụ tấn công đẫm máu. Điều đó làm dấy lên tâm lý bất an và lo sợ trong xã hội.

Trong bối cảnh xã hội Pháp đang đặc biệt chia rẽ và dễ bị tổn thương, các đối tượng khủng bố luôn tìm cách phá hủy sự gắn kết dân tộc bằng cách làm trầm trọng thêm sự căng thẳng giữa cộng đồng người Hồi giáo và bộ phận người dân còn lại.

Mặt khác, nguy cơ những công dân nhiễm tư tưởng cực đoan tìm cách thực hiện các vụ tấn công theo kiểu “con sói đơn độc” ngay trong lòng nước Pháp cũng đang ngày càng gia tăng. 

Hơn nữa, cử tri Pháp cũng chờ đợi cách thức ông Macron đem lại các thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Pháp, đặc biệt liên quan đến vai trò quan trọng của nước này trong Liên minh châu Âu (EU).

Từng là một trong những nước sáng lập EU, có ảnh hưởng lớn trong các cuộc thảo luận và được các đối tác trông chờ, tuy nhiên thời gian qua vai trò của Pháp bị nhìn nhận có phần lép vế hơn trong EU.

Do đó, Paris cần khôi phục uy tín chính trị và kinh tế thông qua xây dựng một chương trình cải cách cơ cấu nhằm đảm bảo sự ổn định không chỉ riêng nước Pháp mà còn cho cả toàn thể EU. 

Dẫu sao, bằng sự năng động, nhiệt huyết và khẩu hiệu thay đổi, ông Macron đã bước đầu chinh phục được cử tri trong cuộc đua khốc liệt vào Điện Elysee. Trên chặng đường không trải thảm đỏ sắp tới, ông Macron phải chứng minh nhiều hơn nữa với cử tri, rằng dù trẻ tuổi và ít kinh nghiệm, song lòng tin mà họ đặt vào ông không phải là thiếu căn cứ.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).