Ông Macron chiến thắng vang dội, châu Âu ‘được giải cứu’

Ứng cử viên Emmanuel Macron chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa kết thúc ít giờ đồng hồ. Ảnh: EPA
Ứng cử viên Emmanuel Macron chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa kết thúc ít giờ đồng hồ. Ảnh: EPA
TPO - Kết quả kiểm phiếu sơ bộ vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp cho thấy ứng cử viên Emmanuel Macron giành được khoảng 65,5-66,1% số phiếu ủng hộ, trong khi bà Le Pen nhận từ 33,9-34,5% lá phiếu ủng hộ của cử tri.

Với hơn 95% số phiếu được kiểm, bà Le Pen giành được khoảng 10 triệu phiếu cử tri, trong khi ông Macron là hơn 20 triệu phiếu bầu. 

Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đã thừa nhận thất bại trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp trước đối thủ Emmanuel Macron, đồng thời khẳng định đảng Mặt trận Quốc gia (FN) cần phải có nhiều cải cách sâu rộng.

Gần 67.000 điểm bỏ phiếu bầu Tổng thống Pháp đã đồng loạt đóng cửa lúc 19h (theo giờ Paris, tức 1h sáng ngày 8/5, giờ Hà Nội), chính thức khép lại cuộc bầu cử gay cấn và kỳ lạ nhất trong lịch sử nước Pháp từ trước tới nay.

Ông Macron chiến thắng vang dội, châu Âu ‘được giải cứu’ ảnh 1  Ảnh: RIA Novosti

Theo truyền thông Pháp, khoảng 74% trong tổng số gần 47 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn đã đi bỏ phiếu bầu Tổng thống Pháp. Đây là tỷ lệ đi bầu thấp kỷ lục trong các kỳ bầu cử Tổng thống Pháp.

Không chỉ chọn ra tổng thống mới lãnh đạo nước Pháp trong 5 năm tới, mà kết quả cuộc bầu cử sẽ tác động tới tình hình bên trong biên giới nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu và cả Liên minh châu Âu (EU), theo AFP.

Trong khi cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, 39 tuổi, theo đường lối trung dung ủng hộ toàn cầu hóa và hội nhập sâu hơn với EU, thì cựu Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu Marine Le Pen, 49 tuổi, theo xu hướng cực hữu, chủ trương đóng cửa biên giới và xóa sổ đồng tiền chung châu Âu, vì thế, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cũng là cơ hội để cử tri quyết định tương lai phát triển của quốc gia này.

Không ngạc nhiên khi không chỉ người dân Pháp hồi hộp chờ đợi kết quả bầu cử, mà cả châu Âu cũng đang “nín thở” theo dõi với tâm lý lo ngại nguy cơ “Frexit” - tức nước Pháp rời EU - có thể xảy ra một khi bà Le Pen đắc cử.

Trong một động thái được cho là muốn giữ Pháp ở lại EU, đương kim Tổng thống Francois Hollande đã đến bỏ phiếu tại một địa điểm ở Tulle, miền trung nước Pháp, tại đây, ông Hollande đã tuyên bố ủng hộ ứng viên Macron, người từng là bộ trưởng kinh tế trong nội các của ông.

Châu Âu được "giải cứu"

Trước bầu cử, nhiều người lo ngại rằng kịch bản của cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 với chiến thắng của ông Donald Trump sẽ lặp lại tại Pháp nếu bà Le Pen giành chiến thắng trước ông Macron. Tuy nhiên, kịch bản trên đã không xảy ra.

Đương kim Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ngay lập tức chúc mừng chiến thắng của ông Macron, đồng thời kêu gọi người dân nước này đoàn kết vì sự thịnh vượng chung của nước Pháp và châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Klod Yunker thừa nhận, sự lựa chọn của người Pháp có lợi cho "tương lai của châu Âu".

Chia sẻ trên Twitter cá nhân, Thủ tướng Anh Theresa May chúc mừng Emmanuel Makron chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Thủ tướng Anh bày tỏ mong muốn hợp tác với tân Tổng thống Pháp trong hàng loạt vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

"Chiến thắng cho Makron, Pháp, EU và thất bại dành cho những kẻ can thiệp vào nền dân chủ…”, bà Hillary Clinton, cựu Ngoại trưởng và là ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đã viết trên Twitter.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng hoan nghênh chiến thắng của ông Macron và khẳng định điều này đã giữ cho Pháp nằm ở “trái tim của châu Âu.”

Theo Theo RIA Novosti
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.