Nhằm đáp ứng cam kết tại hội nghị biến đổi khí hậu COP 26, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra lộ trình hạn chế phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, ưu tiên phát triển xe điện. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông như ô tô, xe máy sẽ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam đang có số lượng tiêu thụ ô tô động cơ đốt trong lớn. Chỉ riêng trong năm 2022, doanh số bán xe trên cả nước đạt hơn 500.000 chiếc. Giá thành xe hơi trong nước hiện vẫn thuộc mức cao so với một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Do đó, nhiều nhận định cho rằng nếu loại bỏ tất cả các xe động cơ đốt trong vẫn có thể sử dụng sẽ tạo nên sự lãng phí.
Trong buổi hội thảo xe điện do Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức, GS.TS Bùi Văn Ga đã nêu một số phương pháp để xử lý xe ô tô "truyền thống" vào thời điểm từ năm 2040 đến năm 2050.
GS.TS Bùi Văn Ga. |
Ông cho biết: "Không chỉ riêng Việt Nam, tại tất cả quốc gia khi công bố lộ trình chuyển sang xe điện hay loại nhiên liệu tái tạo khác, những chiếc xe động cơ đốt trong đăng ký trước đó vẫn sẽ được sử dụng cho hết vòng đời của chúng. Đối với những mẫu ô tô không áp dụng niên hạn sử dụng, chúng cần đạt tiêu chuẩn khí thải được quy định nếu vẫn muốn vận hành".
"Cùng với đó, hiện một số chuyên gia đang phát triển dự án chuyển đổi xe truyền thống sang xe điện thông qua quá trình đại tu một số bộ phận bao gồm hệ thống truyền động, gầm xe, động cơ", vị giáo sư bổ sung.
Ngoài ra, tại diễn đàn, một số chuyên gia khác đã có những ý tưởng hữu ích về bảo đảm nguồn năng lượng điện cho phương tiện. Trong số đó, GS.TS Lê Anh Tuấn, công tác tại Đại học Bách Khoa Hà Nội phát biểu: "Nguồn năng lượng điện tại Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào nhiệt điện, tạo ra nhiều khí carbon. Nếu tăng cường thủy điện, chúng ta lại phải tạo hồ lớn, phá rừng"
"Vì vậy, cần khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện năng. Trong số đó, chúng ta cũng có thể bàn bạc cẩn trọng về tính khả thi của điện hạt nhân, không chỉ vì quá quan tâm đến những sự cố của nó để chùn bước".
Chuyên gia Lê Anh Tuấn phát biểu về một số phương pháp sản xuất điện năng. |
Ngoài năng lượng điện, xe chạy bằng khí hydro cũng có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Khí hydro tạo ra phản ứng cháy nổ trong buồng đốt của động cơ đốt trong để sinh nhiệt, sinh công nhưng chỉ tạo khí thải là hơi nước. Hơn thế nữa, quá trình sản xuất hydro không tạo ra khí thải. Trong khi đó, loại năng lượng này cần nguồn nước dồi dào để sản xuất, phù hợp với vị trí địa lý của nước ta khi có bờ biển dài.
Đặc biệt, PGS.TS Đinh Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tuyên bố đội ngũ các nhà khoa học của trường đã bắt đầu thực hiện quá trình nghiên cứu về nhiên liệu hydro. Hiện nay, những "bước đi" cơ sở trong dự án dần hoàn thành.
Ô tô điện khí hóa phát triển với tốc độ nhanh chóng tại Việt Nam
Áp dụng nhiên liệu hydro để giảm thiểu phát thải từ ô tô được đánh giá là mục tiêu dài hạn. Trong khi đó, xe điện sẽ giúp thị trường trong nước bắt đầu đi vào quá trình hạn chế động cơ đốt trong ngay lập tức.
Hiện nay, VinFast là nhà sản xuất tiên phong tại Việt Nam về lĩnh vực xe điện. Khởi nguồn từ thương hiệu chế tạo ô tô chạy xăng, hãng xe đã quyết định dừng sản xuất ô tô "truyền thống" vào cuối năm ngoái, nhằm tập trung vào EV.
VinFast đã giới thiệu dải SUV thuần điện phủ đủ các phân khúc A-E. Điều này giúp người tiêu dùng Việt có thể tiếp cận với ô tô thuần điện từ rất sớm, đóng góp vào quá trình giảm thiểu phát thải ròng từ xe hơi. Bên cạnh đó, VinFast cũng sản xuất các dòng xe máy điện và đang lên kế hoạch sản xuất xe đạp điện, đẩy nhanh tốc độ phổ cập xe điện tại Việt Nam
VinFast giúp người dùng Việt Nam dễ dàng tiếp cận với ô tô thuần điện. |
Ngoài xe điện, các loại ô tô hybrid, plug-in hybrid cũng đang được nhiều nhà sản xuất ô tô phổ biến bao gồm Toyota, Nissan, Suzuki áp dụng tại Việt Nam. Ưu điểm của dòng xe này nằm ở việc tiết kiệm nhiên liệu, đạt tiêu chuẩn khí thải nhưng không khiến chủ sở hữu phải thay đổi thói quen sử dụng.
Tuy nhiên, để ô tô điện, hybrid, plug-in hybrid phát triển bền vững ở nước ta, nhiều chuyên gia nhận định Chính phủ cần phải sớm ban hành bộ Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với xe điện và mạng lưới trạm sạc. Điều này giúp các nhà sản xuất chủ động về quá trình định hướng sản phẩm và cơ sở hạ tầng liên quan đến phương tiện điện khí hóa tại nước ta.