Từng bước hình thành văn hóa chống tham nhũng

Từng bước hình thành văn hóa chống tham nhũng
TP - Sau 3 năm thí điểm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học này.

> Dạy phòng chống tham nhũng trong 1 tuần, đủ hay không?
> Một năm 'không phát hiện vụ tham nhũng nào'

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng.

Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) luôn là vấn đề “nóng” dành được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục từ cấp trung học phổ thông (THPT) trở lên liệu có thu được kết quả mong muốn? Tiền Phong trao đổi với Tiến sĩ Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đề án “Đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng” (Đề án 137).

Mục tiêu mong muốn khi ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg của Chính phủ là gì thưa ông?

Nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng được ghi trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X “Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục”, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Luật PCTN mà trong đó, một nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 137/2009/QĐ-TTg ngày 02/12/2009 phê duyệt Đề án “Đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng”.

Từ kết quả của việc thực hiện thí điểm Đề án 137, ngày 12/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014 để tiếp tục thực hiện mục tiêu: “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên trong đấu tranh PCTN, đồng thời phát huy vai trò của xã hội, của các cơ quan nhà nước, qua đó tạo ra phong trào sâu rộng đấu tranh PCTN, từng bước hình thành văn hóa chống tham nhũng”.

Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã ban hành các quy định, thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa song tham nhũng vẫn xảy ra. Liệu việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy có cần thiết, khi đối tượng có nguy cơ tham nhũng không phải là học sinh, sinh viên?

Như tôi đã nói ở trên, mục tiêu chung của đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo phong trào sâu rộng, từng bước hình thành văn hóa chống tham nhũng. Khi văn hóa được hình thành, phong trào trở nên sâu rộng thì tiêu cực, tham nhũng ắt bị đẩy lùi.

Trong thời gian thực hiện Đề án 137, không chỉ các trường thí điểm thuộc khối trường THPT, cao đẳng, đại học tiến hành lồng ghép giảng dạy nội dung PCTN vào môn học phù hợp mà còn có các trường hành chính, quản lý nghiệp vụ thuộc tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước; trường thuộc lực lượng vũ trang, thuộc tổ chức chính trị - xã hội. Điều này có nghĩa Đề án bao trùm rất nhiều đối tượng người học, gồm cả học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức. Tùy theo từng hệ trường, từng cấp độ học mà thời lượng, nội dung PCTN được đưa vào phù hợp với từng đối tượng người học.

Nhiều giáo viên cho rằng, thực trạng tham nhũng còn phức tạp nên rất khó lấy dẫn chứng minh họa cho người học. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều giáo viên cho rằng, thực trạng tham nhũng còn phức tạp nên rất khó lấy dẫn chứng minh họa cho người học. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Được biết, quá trình triển khai thí điểm Đề án đã phát lộ những vướng mắc trong việc lồng ghép nội dung PCTN vào giảng dạy?

Đúng vậy, cuối năm 2012, chúng tôi đã có báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện thí điểm đề án. Qua thực hiện thí điểm giảng dạy nội dung PCTN tại một số trường thuộc khối Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia HCM quản lý, khối Bộ GD&ĐT quản lý và một số trường thuộc Công an, Quốc phòng và 8 trường THPT tại Hà Nội, Nam Định, TPHCM, Bến Tre cho thấy học sinh, sinh viên, học viên rất hào hứng với nội dung học tập này.

Tuy nhiên, các giáo viên cho rằng, thực trạng tham nhũng còn phức tạp nên rất khó lấy dẫn chứng, ví dụ minh họa cho người học. Một số trường vẫn còn lúng túng trong việc lồng ghép nội dung PCTN vào các môn học. Việc kiểm tra, chấm điểm nội dung học tập chưa được thực hiện bắt buộc nên chưa đánh giá được hết hiệu quả của việc giảng dạy.

Thanh tra Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan đã giải quyết vướng mắc trên như thế nào?

Cùng với việc phối hợp với các bộ, ngành tổ chức bồi dưỡng, cập nhật thông tin cho đội ngũ giáo viên, giảng viên của các trường thực hiện việc đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, TTCP tiếp tục thực hiện rà soát, bổ sung những vấn đề mới của pháp luật phòng, chống tham nhũng, hoàn thiện các loại tài liệu phục vụ giảng dạy (do TTCP biên soạn) để báo cáo Tổng Thanh tra phê duyệt, ban hành; cập nhật, hoàn chỉnh bộ tài liệu tham khảo và sổ tay công tác phòng, chống tham nhũng để phục vụ cho công tác nghiên cứu cũng như lấy dẫn chứng minh họa trong khi giảng dạy của giáo viên, giảng viên.

Cảm ơn ông!

Một tuần, đủ không?

PGS. TS Trịnh Quốc Toản, phụ trách khoa Luật ĐHQG HN cho biết, nếu chỉ lồng ghép nội dung PCTN vào một tuần học chính trị thì quá ít. Các vấn đề, nội dung như văn bản của Đảng; Hiến pháp 92, Luật PCTN năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2007); Chiến lược quốc gia về PCTN đến 2020; Việc thực thi công ước của Liên hợp quốc về PCTN mà Việt Nam là thành viên… là những điều mà sinh viên cần biết và không thể nói lào phào mà thấu đáo được. Vì vậy, cần đưa nội dung PCTN thành một môn học và tính theo tín chỉ.

Ông Toản cũng cho biết thêm hiện ĐHQG đang soạn thảo chương trình thạc sĩ PCTN ngoài chương trình đào tạo sau đại học mang tên: Lý luận về quản trị tốt và PCTN trên thế giới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG