Tui cũng tự hỏi

Tui cũng tự hỏi
TP - Chú Ba à! Dạo này tui đọc trên báo thấy nhiều chuyện nó cứ liên quan tùm lum dzậy đó. Hổng biết đâu là nguyên nhân đâu là kết quả nữa!...

- Chá chà, anh Hai dạo này cũng bắt đầu luận sự đời dzữ ha!

- Không luận để rút cho mình bài học, cứ hồn nhiên sống mãi sao đặng?

- Cụ thể anh Hai thấy liên hệ chi tùm lum?

- Đây! Chú Ba lý giải giùm coi! Sau tết nhứt, mấy lễ hội nhuốm mùi bạo lực, máu me, cướp, đâm, chém, chọi…dân tình kéo đến kìn kìn…

- Đừng hoảng lên dzậy anh Hai ơi! Nhiều người đứng ra lí giải chuyện đó rồi. Cướp ở đây là cướp có văn hóa. Chém ở đây là chém có bản sắc. Đâm  cũng nên hiểu cái giá trị truyền thống của nó…

- Thiệt hông ta! Nhưng sau đó tui thấy trên mạng rộ lên chuyện học sinh đánh nhau búa xua. Có nữ sinh dùng chổi bổ xuống đầu nam sinh. Có nam sinh uýnh nữ sinh bầm mặt…Bạo lực học đường nghe chừng báo động!

- Anh Hai lại lo hoảng nữa rồi! Mấy cái dzụ lẻ tẻ đó nhằm nhò chi! Chỉ có mấy ngày tết hơn 6.000 người lớn oánh nhau nhập viện mà vẫn được lãnh đạo một bộ coi đó là chuyện bình thường mà…

- Dzậy hả! Họ lạc quan dzậy thì cũng yên tâm rồi! Nhưng tui băn khoăn, có phải do xem mấy cái lễ hội nhuốm mùi bạo lực nên lớn nhỏ thích uýnh nhau, hay vì bản tính thích uýnh nhau nên người ta duy trì bảo vệ mấy cái lễ hội đó?

- Hổng phải bây giờ mới có chuyện đó đâu anh Hai ơi! Ngay trong truyện cổ tích đã đầy cảnh đầu rơi, máu chảy, phọt óc, giết người làm mắm rồi…

- Thì chính lẽ ấy nên tui mới suy tư! Tui mơ, tui mong, tui ước, trong cái hồn cốt người Việt mình từ truyện cổ cho đến lễ hội sao thấm đẫm sự bao dung, nhân ái, cái nhân văn nhân bản, cái cao thượng và độ lượng. Khi đó, sẽ không có những dòng sông bị bức tử ngăn dòng, những thảm cây không bị lâm tặc triệt hạ, những phận đời không bị đẩy ra lề, những ánh mắt nhìn nhau chan chứa thương yêu và hòa hợp…

- Tui tự hỏi, bao nhiêu người cùng mơ, ước, muốn như anh Hai, sao đến giờ vẫn chưa làm được?

MỚI - NÓNG