Đà Nẵng từng biết đến là thành phố năng động, sáng tạo với nhiều cách làm hay, tiên phong, đi đầu để có những bước phát triển ngoạn mục, được mệnh danh là “thành phố đáng sống”. Thế nhưng, từ những sai phạm liên quan đến đất đai trong giai đoạn trước – giai đoạn phát triển “nóng”- đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố. Sự trì trệ trong xử lý các khó khăn, vướng mắc về pháp lý có tính chất lịch sử đã khiến hàng loạt dự án trên địa bàn “đứng bánh”, bỏ hoang, nhiều dự án ngay trung tâm thành phố đập vào mắt người dân và du khách là cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Để rồi Đà Nẵng đang dần tụt lùi so với vai trò trung tâm, đầu tàu của khu vực miền Trung.
Cán bộ công chức làm việc tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng. |
Từ những lo sợ về sai phạm trong xử lý công việc, dẫn việc của một bộ phận cán bộ, công chức Đà Nẵng đang làm việc với thái độ thờ, vô cảm, bàng quan, vô trách nhiệm. Không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời, không hết trách nhiệm đối với các vấn đề bức xúc của nhân dân… Đặc biệt là tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng chức trách nhiệm vụ quyền hạn.
Các hội nghị tiếp xúc cử tri mới đây của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, bên cạnh những kiến nghị về các vấn đề vĩ mô của đất nước là những ý kiến ca thán của người dân và doanh nghiệp, vì các dự án vướng mắc kéo dài nhiều năm mà Đà Nẵng gỡ không ra. Mà một trong các nguyên nhân có việc cán bộ, lãnh đạo sợ sai.
Dự án khu đô thị Đa Phước bỏ hoang nhiều năm ở Đà Nẵng. |
Dự án khu đô thị Đa Phước liên quan đến các sai phạm đất đai của thành phố bị kiến nghị thu hồi, nay đã bỏ hoang nhiều năm là một ví dụ điển hình. Nhiều hộ dân đang phải chịu cảnh “sống chui” ngay giữa thành phố dù bỏ tiền tỷ để mua đất, nhà tại đây. Người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền nhưng vẫn chưa thể giải quyết. Hay như hàng loạt dự án nằm ở trung tâm thành phố “ôm đất vàng” nằm bất động hàng chục năm nay không thể triển khai vì liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thu hồi số tiền 10% giảm trừ giá đất giai đoạn trước đã áp dụng…
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29 của Thành ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới” ngày 28/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã nêu ra con số khảo sát mới đây khiến lãnh đạo thành phố phải “trăn trở và suy nghĩ”.
Đó là có xấp xỉ 50% người dân được hỏi cho rằng cán bộ, công chức thành phố hiện nay thiếu tinh thần cống hiến, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám đổi mới. Trên 40% ý kiến người dân cho rằng có cán bộ thực dụng, chỉ vun vén cho lợi ích cá nhân, nói không đi đôi với làm, ham danh lợi, thành tích, tranh công, đổ lỗi. Và trên 30% ý kiến cán bộ hiện nay "dĩ hòa vi quý", thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thiếu kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tham nhũng tiêu cực, bè phái, lợi ích nhóm.
Dù con số khảo sát đó có thể chưa hoàn đúng với bản chất, nhưng qua đó thấy được hình ảnh Đà Nẵng và nhất là hình ảnh của đội ngũ cán bộ, công chức của “thành phố đáng sống” đang giảm sút trong mắt người dân và cộng đồng doanh nghiệp như thế nào.
Tại hội nghị trên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã nhắc đến 2 cụm từ "danh dự" và "lòng tự trọng" của người cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ hiện nay của một bộ phận cán bộ, công chức thành phố.
Ông Quảng nêu ra ví dụ cụ thể để cho thấy sự lệ thuộc và đùn đẩy của cán bộ, lãnh đạo hiện nay. Đó là việc cơ quan chức năng thành phố phải quyết định việc định giá tài sản liên quan đến việc xử lý một vụ án hình sự kéo dài. Dù cơ quan chức năng được yêu cầu trưng cầu các cơ quan tố tụng nhưng không ai làm, chỉ với lý do: “Không tìm được cơ quan tư vấn”.
Bí thư Đà Nẵng cho hay, cuối cùng vụ việc được đẩy lên Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố. Sau khi xem xét, Ban chỉ đạo đã kết luận, việc này không cần cơ quan tư vấn, thành phố phải chịu trách nhiệm và giao trách nhiệm đó cho cơ quan đơn vị, đặc biệt là Hội đồng định giá thành phố xử lý. Và nếu thuê tư vấn định giá như tham mưu, báo cáo thì thành phố sẽ phải tốn thêm gần 1 tỷ đồng, trong khi chưa biết việc đó sẽ thu được tài sản cho nhà nước là bao nhiêu. Nhưng với kết luận của Ban chỉ đạo, cơ quan chức năng thành phố vẫn làm được và vụ việc đã được xét xử, đảm bảo quy định pháp luật.
Ông Quảng cũng chia sẻ, khi đi gặp gỡ, tiếp xúc có nhiều ý kiến, phản ánh của cán bộ hưu trí và của người dân nói rằng: “Nhiệm kỳ này của chúng ta không bằng các nhiệm kỳ trước”. Thậm chí có người còn nói thẳng: “Cán bộ thành phố nhiệm kỳ này không còn ai có khả năng để làm việc như những nhiệm kỳ trước”. Ông Quảng không đánh giá những nhận xét trên đã chính xác hay chưa. Nhưng ông chia sẻ: "Nghe người dân, cán bộ hưu trí nói như vậy thì rất chạnh lòng!"
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chia sẻ, tiếp xúc và lắng nghe nhiều ý kiến, phản ánh của cán bộ hưu trí, người dân. |
Bởi vậy, trong nhóm các nhiệm vụ, giải pháp chấn chỉnh thái độ làm việc của cán bộ, công chức thành phố, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: Nhiệm vụ đầu tiên là phải thực hiện việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là của người đứng đầu ở từng cơ quan đơn vị trong cải cách hành chính và thực thi công vụ.
Trước thực trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai, không dám nghĩ dám làm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã kêu gọi các cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu nêu cao danh dự và lòng tự trọng trong thực thi công vụ. Đồng thời, nhấn mạnh: Mỗi người cán bộ công chức phải thấy rõ trách nhiệm của mình với nhân dân và vì sự nghiệp phát triển của thành phố. Qua đó, cùng quyết tâm, quyết liệt vượt qua khó khăn làm đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình, mạnh dạn đề xuất và quyết định tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại của nhiều năm trước đây hoặc những vấn đề mới đặt ra nhưng có những mâu thuẫn trong quy định pháp luật hoặc các quy định không còn phù hợp để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Tất cả phải được thực hiện với động cơ trong sáng vì lợi ích của người dân và vì mục tiêu phát triển thành phố.
Thành ủy Đà Nẵng cũng sẽ có chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 29 trên quan điểm kế thừa và bổ sung những nội dung mới phù hợp với thực tiễn hiện nay. Hơn bao giờ hết, người dân, doanh nghiệp Đà Nẵng đang trông chờ vào một sự đổi thay, một cuộc “lột xác” trong lãnh đạo, điều hành, xử lý công việc để thành phố chuyển mình, thu hút đầu tư, thoát khỏi trì trệ để tiếp tục phát triển. Mà trước hết, là sự thay đổi từ quy chế, quy định, trình tự và thái độ làm việc của một bộ phận cán bộ công chức, để Đà Nẵng lấy lại hình ảnh của mình trong mắt người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Đà Nẵng chờ mong cuộc chuyển mình mới |
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều chấn chỉnh về thái độ, ý thức và lòng tự trọng, danh dự của của người cán bộ, công chức trong thực hiện công vụ. Nhất là sau cuộc tọa đàm và Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29 của Thành ủy thì đã có sự thống nhất đồng bộ về mặt nhận thức trong việc chấn chỉnh thái độ, cung cách làm việc, xử lý công việc trong toàn bộ hệ thống chính trị từ lãnh đạo thành phố cho đến địa phương, đơn vị.
“Trong chỉ thị mới của Thành ủy dự kiến ban hành sẽ hệ thống lại các biểu hiện của việc cán bộ công chức, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ. Chính việc hệ thống các biểu hiện này sẽ giúp cán bộ, công chức thành phố Đà Nẵng thức tỉnh nhận thức về lòng tự trọng, danh dự của mình trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân ” ông Vĩnh cho biết.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cũng cho rằng, qua các phương tiện truyền thông, người dân đã nhận thấy được tinh thần, quyết tâm của Đà Nẵng trong việc chấn chỉnh thái độ làm việc, khơi dậy ý thức, đạo đức, danh dự và lòng tự trọng của người cán bộ. Chính nhờ đó, mà nhân dân bắt đầu phản ánh, nói lên các sự việc cụ thể xảy ra tại các cơ quan, đơn vị, không còn chung chung như trước nhờ đó việc xử lý sẽ được rốt ráo hơn.
“Người dân bắt đầu thấy cơ quan nhà nước của thành phố đã lắng nghe nên tương tác nhiều hơn. Đây là tín hiệu mừng. Chúng ta đừng sợ dân phản ánh nhiều. Mà ngược lại càng nhận được nhiều phản ánh của dân càng tốt. Dân phản ánh nhiều chứng tỏ người dân đã tin tưởng hơn. Và cán bộ, công chức sẽ phải tự soi, tự răn đe mình hơn. Thước đo cần thời gian, nhưng những tín hiệu ban đầu sẽ thức dậy lòng tự trọng của từng cán bộ, công chức thành phố để ý thức hơn trong cống hiến, phục vụ nhân dân. ” ông Vĩnh nói.