Tu sửa cấp thiết di tích quốc gia đình Chèm: Lơ là giám sát

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ồn ào chặt cây đa trước cổng di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc. Dự án tu sửa cấp thiết vì thế cũng phát lộ những vấn đề đáng lo ngại khác.

Tùy tiện

Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm (Thượng Thụy, Bắc Từ Liêm) nằm ngoài đê sông Hồng là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam. Kiến trúc gốc được bảo tồn khá nguyên vẹn, cảnh quan di tích cũng thuộc vào loại đẹp hiếm có của Hà Nội. Thế nhưng nhân cớ tu sửa cấp thiết di tích này, Ban Khánh tiết đình Chèm đã thẳng tay chặt hạ cây đa nằm ngay trước nghi môn.

Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long thốt lên đầy tiếc xót khi cây đa trước cổng đình Chèm chỉ còn trơ lại gốc. Đây vốn là góc biểu diễn và ghi hình quen thuộc của nhiều nghệ sĩ. Cây đa, giếng nước, sân đình ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Đời sống hiện đại làm biến đổi khá nhiều giá trị văn hóa, di sản nhưng cảnh quan cây đa, sân đình vẫn được lưu giữ khá toàn vẹn ở hầu khắp các di tích. “Những cây lớn mọc trong khu vực đình, đền, phủ, chùa... là một nét đặc trưng góp phần tạo nên văn hoá cảnh quan mang đặc trưng của người Việt”, nhạc sĩ Quang Long nói.

Có mặt tại đình Chèm cuối tuần qua, chúng tôi ghi nhận gốc cây bị cắt sát với phần rễ, đường kính gần 3m. Trước đó có thông tin cây đã chết một nửa, nhưng mục sở thị thì thấy rõ bộ rễ hoàn toàn khỏe mạnh. Ông Nguyễn Mạnh Thìn, Trưởng Ban Khánh tiết đình Chèm giải thích, đây là giống cây đa đỏ mới được trồng từ năm 1998 để tạo bóng mát, không phải cây cổ thụ hay cây di sản. Trước khi bị chặt hạ, cây đa có hiện tượng nghiêng 25 độ về phía nghi môn nội (tàu tượng) và nghi môn ngoại (cột đồng trụ) của đình, có nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Lo sợ mùa mưa bão tới gần, cây gây nguy hiểm nên Ban Khánh tiết và các cụ cao niên đình Chèm cho chặt hạ cây hôm 18/3/2022.

Chuyện chặt cây giằng co từ nhiều tháng nay. Từ đầu năm 2021, Ban Tế tự- Ban Khánh tiết đình Chèm nhiều lần đề nghị gửi lên các cấp chính quyền. Trong biên bản kiểm tra hiện trạng di tích tháng 7/2021, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Phương đã ghi nhận, hứa trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND phường Thụy Phương đề nghị Ban Khánh tiết đình Chèm giữ nguyên trạng cây đa trước nghi môn, không tự ý chặt hạ cây. Ngày 19/3/2022 sau khi kiểm tra hiện trạng, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Phương kết luận “trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, việc Ban Khánh tiết Đình Chèm tự ý chặt hạ cây đa trước nghi môn đình mà không báo cáo UBND phường và các cấp có thẩm quyền là không đúng quy định”.

Tu sửa cấp thiết di tích quốc gia đình Chèm: Lơ là giám sát ảnh 1
Tu sửa cấp thiết di tích quốc gia đình Chèm: Lơ là giám sát ảnh 2

Tu sửa cấp thiết của đình Chèm xuất hiện nhiều vấn đề đáng lo ngại Ảnh: KỲ SƠN

Trong cuộc làm việc với đoàn kiểm tra do Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm chủ trì chiều 25/3, Ban Khánh tiết đình Chèm đã nhận khuyết điểm và xin rút kinh nghiệm, đồng thời đề xuất trong 10 năm tới sẽ trồng bổ sung các cây phù hợp với di tích (không trồng các loại cây ngoại lai).

Buông lỏng giám sát

Chuyện chặt cây xanh ở di tích chỉ là phần nổi trong vụ tu sửa cấp thiết di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm. Dự án tu sửa cấp thiết do BQL Dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm làm chủ đầu tư, với các hạng mục: điều chỉnh cao độ phần sân đường, tôn tạo hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật: sân đường, bó vỉa, cấp điện, cấp thoát nước, tường rào; tu bổ chỉnh trang chống xuống cấp: nghi môn nội, đại đình, phương đình, nhà bia tả hữu, tả vu, hữu vu, cổng phụ; chống mối toàn bộ công trình; bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Đình Chèm nằm sát mép sông Hồng, được tu sửa trong thời gian dài, dự kiến thi công trong 210 ngày, sẽ hoàn thiện trong tháng 4/2022. Ấy thế nhưng các hạng mục tu sửa không được quây bạt che chắn. Nhiều cấu kiện bằng gỗ, đá khác không được bao che theo đúng quy định, đặt ngay dưới đất. Nghi môn nội, nghi môn ngoại ngổn ngang gạch đá được đào xới lên. Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban quản lý Di tích danh thắng Hà Nội nhận định, việc không quây bạt che chắn trong quá trình tu sửa không đúng quy định, tạo ra hình ảnh phản cảm.

Phần bậc thềm dẫn lên nghi môn nội có dấu hiệu bê tông hóa. Vật liệu gạch, đá, bê tông lẫn lộn khiến bậc thềm di tích không ăn nhập với di tích kiến trúc 2 nghìn tuổi. Phần tường bao của di tích gần như được hoàn thiện. Nhiều người ngỡ ngàng khi thấy cổng phụ của đình Chèm được trổ mới hoàn toàn. Không chỉ dừng lại ở đó, khuôn viên của đình còn nổi lên mấy chiếc cột được sơn vẽ màu lạ mắt, lệch hoàn toàn với màu sắc vốn có của đình.

Một thành viên Ban Khánh tiết khi giải thích về việc chặt hạ cây đa còn nói thẳng rằng “không cần văn hóa” khi tu bổ di tích. Một số người dân, thậm chí người trông coi và quản lý di tích của cộng đồng ở nhiều nơi vẫn giữ tư duy tu sửa di tích là làm mới hơn, to đẹp hơn bất chấp kiến trúc, vật liệu của di tích gốc. Họ ngại phải tuân theo quy trình xin cấp phép, thỏa thuận và có ý kiến chuyên môn về tu sửa di tích.

Lùm xùm trong quá trình tu sửa, tu bổ di tích không phải chuyện lạ. Trách nhiệm giám sát luôn là một trong những điểm yếu của hầu hết các dự án tu bổ. Câu chuyện của đình Chèm chẳng hạn, chỉ tới khi dư luận và báo chí lên tiếng về vụ chặt cây đa, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn mới vào cuộc thanh kiểm tra.

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết, theo quy định, việc tu sửa cấp thiết di tích thuộc thẩm quyền của địa phương. Điều 19 Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL hướng dẫn quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nêu rõ, hồ sơ tu sửa cấp thiết di tích phải có thuyết minh lý do tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ, nêu rõ tình trạng kỹ thuật và các nguy cơ gây xuống cấp, sập đổ, hủy hoại di tích; đề xuất phương án tu sửa cấp thiết. Việc thực hiện tu sửa cấp thiết có sự tham gia của tổ chức hoặc cá nhân có đủ điều kiện hành nghề thi công tu bổ di tích, có sự giám sát của sở quản lý văn hóa, đại diện tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích và đại diện Ban Giám sát đầu tư cộng đồng…

Về việc Ban Khánh tiết đình Chèm tự ý chặt hạ cây, ông Thành nêu quan điểm phải đặt di sản lên trên hết. Chuyện phương án di dời cây xanh (nếu cần) khi tu sửa di tích luôn dựa trên sự chủ động đề xuất của BQL di tích và ngành văn hóa địa phương. Nếu đó là cây bụi, cây mới, chủng loại cây không phù hợp với tính chất di tích thì cân nhắc giữa di dời với chặt bỏ. Trường hợp cây có giá trị cảnh quan thì xem xét việc di dời để bảo vệ cảnh quan và hiệu quả về kinh tế.

MỚI - NÓNG