Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận từng nói Đề án cải cách toàn diện và căn bản nền giáo dục mà Bộ đang thực hiện giống như một "trận đánh".
Vậy, để "trận đánh" thành công thì rất cần sự đóng góp công sức, trí tuệ của toàn xã hội, trong đó có các chuyên gia hàng đầu về giáo dục.
Tiến sĩ Nguyễn Dư từng là một nghiên cứu sinh tại Liên hiệp Vương quốc Anh có bài phân tích về quy luật Donald Campbell. Mà theo tác giả, quy luật này có giá trị thời sự cho công cuộc cải cách căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả - Tiến sĩ Nguyễn Dư.
Trong bài báo: “Đánh giá sự ảnh hưởng của các hoạt động cải tạo xã hội”, tác giả Donald Campbell (Mỹ) viết: “Mức độ quan trọng của một chỉ số dùng để đánh giá hiệu quả một quá trình xã hội tỷ lệ thuận với nguy cơ chỉ số đó bị tha hóa, và xu hướng nó bóp méo, làm sai lệch quá trình xã hội nó sinh ra để điều khiển”.
Để chứng minh quy luật này, Campell đã đưa ra lập luận và dẫn chứng liên quan đến nhiều hoạt động xã hội khác nhau.
Riêng trong lĩnh vực giáo dục, Campbell cho rằng, việc trả lương giáo viên dựa trên điểm số tại các kỳ thi đã dẫn tới tình trạng giáo viên tập trung quá mức vào việc giảng dạy và ôn luyện những kiến thức, kỹ năng mà họ dự đoán sẽ xuất hiện trong các đề thi, khiến nội dung giáo dục bị thu hẹp, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của người học.
Tiến sĩ Nguyễn Dư nêu quan điểm đồng tình với hai thay đổi gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo là bỏ chấm điểm trong các hoạt động kiểm tra thường xuyên ở cấp tiểu học; lấy kết quả của cả khóa học và điểm số tốt nghiệp làm căn cứ xét tốt nghiệp cho học sinh THPT. Ảnh: Thanh Niên
Tuy không có con số thống kê cụ thể trên phạm vi toàn quốc, song chắc hẳn nhiều nhà quản lý giáo dục và cơ quan tuyển dụng nhân lực sẽ có chung nhận định với tôi rằng, tỷ lệ bằng khá, giỏi ở hầu hết các trường đại học và cao đẳng tăng khá nhanh trong khoảng chục năm gần đây.
Lý do có nhiều, trong đó phải kể đến sự nỗ lực, sáng tạo trong giảng dạy và học tập của nhiều giảng viên và sinh viên.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là do trong quá trình tuyển dụng nhân sự, nhiều cơ quan, tổ chức quá đề cao điểm số của sinh viên khiến nhiều cơ sở giáo dục đã nới lỏng khâu kiểm tra đánh giá, làm giảm sút độ tin cậy của điểm số đồng thời dẫn đến việc học lệch ở nhiều sinh viên.
Điều này lý giải tại sao, nhiều sinh viên tốt nghiệp với điểm số cao vẫn không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Việc sử dụng điểm số của kỳ thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ chính để xét tốt nghiệp cho học sinh, đánh giá thi đua giáo viên và nhà trường đã làm tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trở thành một trong những con số gây tranh cãi. Năm 2006, tỉ lệ tốt nghiệp THPT cả nước là 94%.
Tuy nhiên, năm 2007, năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện cuộc vận động “Hai không”, con số này là 66%. Cá biệt có tỉnh miền núi phía bắc, sự chênh lệch giữa hai năm này lên tới 80%.
Năm 2012, trong một khảo sát qua mạng internet của Vnexpress, 54,5% số người tham gia cho rằng kỳ thi tốt nghiệp năm 2011-2012 vẫn còn nhiều tiêu cực. Đôi khi gian lận trong thi cử được tổ chức một cách có hệ thống, điển hình như vụ việc ở Bắc Giang năm 2012.
Một ví dụ nữa trong giáo dục phổ thông là việc sử dụng kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi cuối cấp để đánh giá, xếp loại các đơn vị tham gia hoặc xét đặc cách đầu vào bậc học cao hơn cho thí sinh đạt giải.
Mặc dù chính sách này thúc đẩy việc đầu tư cho hoạt động giáo dục mũi nhọn ở các địa phương, tạo động lực phấn đấu cho nhiều giáo viên và học sinh nhưng hậu quả không mong muốn của nó là việc nhiều trường yêu cầu học sinh tập trung quá mức cho môn các em dự thi.
Một số đơn vị dành cả tháng giúp học sinh ôn luyện cho kỳ thi, cắt xén chương trình, nội dung các môn học khác.
Không ít địa phương có điều kiện mời các chuyên gia giảng bài cho học sinh, khiến sân chơi trở nên thiếu công bằng. Cá biệt, có trường hợp trong một kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, 7/8 thí sinh trong một đội tuyển có bài làm giống hệt nhau. Nếu giải thưởng không là “vé thông hành” vào thẳng những trường đại học uy tín hay là chỉ số rất quan trọng trong đánh giá, xếp loại các tập thể, cá nhân liên quan có lẽ những hiện tượng như trên sẽ ít xảy ra hơn.
Một hoạt động giáo dục rất đáng quan tâm, đầu tư ở bậc phổ thông là việc tổ chức thi chọn giáo viên dạy giỏi. Mục tiêu cơ bản của nó là tăng cường sự trao đổi chuyên môn giữa giáo viên trên một địa bàn, nhân rộng các cách dạy hay và sáng tạo.
Tuy nhiên, trong thực tế, do tầm quan trọng của tiết dạy trong đánh giá, công nhận danh hiệu thi đua cho cá nhân giáo viên và tập thể nhà trường, không ít giáo viên "gặp gỡ" học sinh trước tiết dạy khiến nhiều tiết học diễn ra rất hình thức, thiếu đi sự đa dạng đáng quý của các tình huống sư phạm.
Thực tế đã chứng minh quy luật mà Campbell phát hiện dường như có giá trị toàn cầu, không chỉ ở lĩnh vực giáo dục mà còn cả ở các hoạt động kinh tế, chính trị và cả quân sự.
Dựa trên quy luật này và bài học từ các nước có nền giáo dục phát triển, tôi bày tỏ sự đồng tình với hai thay đổi gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo là bỏ chấm điểm trong các hoạt động kiểm tra thường xuyên ở cấp tiểu học; lấy kết quả của cả khóa học và điểm số tốt nghiệp làm căn cứ xét tốt nghiệp cho học sinh THPT.
"Để giáo dục phát triển đúng hướng, thay vì đề cao tầm quan trọng của một vài chỉ số định lượng, chúng ta cần thu thập minh chứng về chất lượng dạy-học từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó đặc biệt coi trọng khả năng tư duy, năng lực thực hành của người học", TS.Nguyễn Dư.
Trong khi chính sách thứ nhất giúp trẻ em tự tin, mạo hiểm sử dụng các phương pháp có tính sáng tạo, chính sách thứ hai góp phần giảm áp lực kỳ thi cuối cấp đồng thời khuyến khích nỗ lực của học sinh trong cả khóa học.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, không phải lúc nào chủ trương đúng cũng dẫn tới cách làm đúng. Bỏ chấm điểm thường xuyên mà thiếu nhận xét, góp ý cụ thể mang tính xây dựng của giáo viên, thiếu các hoạt động tuyên truyền về chủ trương này tới phụ huynh thì tác dụng của kiểm tra, đánh giá còn hạn chế hơn trước đó.
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục, cần làm rõ khái niệm chất lượng giáo dục.
Thứ nhất, thay vì coi kết quả các kỳ kiểm tra, kỳ thi cuối kỳ, cuối năm là chất lượng giáo dục như nhiều người quan niệm, chất lượng giáo dục phải bao gồm cả sự phát triển về mặt thể chất, năng lực tư duy, khả năng thực hành và cả niềm vui, sự hài lòng của người học.
Thứ hai, cần giảm bớt các câu hỏi trắc nghiệm với các lựa chọn cho sẵn bởi trong thực tế khi ra đời người học đâu có các lựa chọn cho sẵn để giải quyết công việc.
Để ra một quyết định họ thường phải tổng hợp, so sánh, phân tích rất nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.
Thứ ba, thay vì sử dụng một hay hai chỉ số để đánh giá chất lượng giáo dục, quyết định tương lai của người học, minh chứng của dạy tốt, học tốt cần được thu thập từ nhiều kênh, nhiều nguồn khác nhau.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, cần có sự thay đổi trong đánh giá năng lực của giáo viên và sự phát triển của trường phổ thông. Với giáo viên, cần chuyển mạnh từ việc đề cao kết quả đầu ra sang đánh giá quá trình với sự tham gia đánh giá của đồng nghiệp và sự phản hồi từ học sinh về sức hấp dẫn của các tiết học, sự tận tụy và trách nhiệm với công việc chung của nhà trường.
Nói tóm lại, để giáo dục phát triển đúng hướng, thay vì đề cao tầm quan trọng của một vài chỉ số định lượng, chúng ta cần thu thập minh chứng về chất lượng dạy-học từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó đặc biệt coi trọng khả năng tư duy, năng lực thực hành của người học.
Điều này sẽ góp phần từng bước loại bỏ từ gốc “bệnh thành tích” vốn bắt nguồn từ sự sùng bái quá mức một số chỉ số định lượng về giáo dục.