Tù nhân Mỹ hé lộ cuộc sống tại trại lao động khổ sai Triều Tiên

Ông Kenneth Bae. Ảnh: AP
Ông Kenneth Bae. Ảnh: AP
Kenneth Bae, quốc tịch Mỹ, từng là một nhà điều hành tour du lịch tới Triều Tiên trước khi bị chính quyền nước này bắt giữ và tuyên án 15 năm lao động khổ sai năm 2013.

Ông Bae đã trải qua 735 ngày sống trong một trại lao động của Triều Tiên sau đó được chính quyền Mỹ giải cứu. Dù thời gian không quá dài nếu so với bản án ông bị tuyên nhưng như vậy cũng là quá đủ để Bae nếm trải mọi thực tế khắc nghiệt mà một tù nhân ở Triều Tiên phải đối mặt, theo news.com.au.

Bae là người Mỹ đầu tiên bị gửi đến trại lao động ở Triều Tiên. Bae kể, ông phải làm việc cật lực từ 8h đến 18h mỗi ngày, 6 ngày một tuần, bất kể nắng mưa.

"Tôi làm đủ mọi việc, ở ngoài đồng hay trong nông trại, từ mang vác đá cho đến xúc than", ông Bae hôm 3/5 nói với kênh CNN. "Tất cả những công việc này đều vô cùng khó khăn và yêu cầu người ta phải có một thể chất rất tốt".

Bae cho hay, tình trạng sức khỏe của ông ngày một tồi tệ đi bởi chứng đau lưng ông mắc phải từ trước lúc vào tù. Bên cạnh đó, Bae cũng chịu không ít áp lực về mặt tinh thần khi bị đối xử như một tù nhân chính trị.

"Một công tố viên từng tham gia quá trình xét xử vụ kiện của tôi gần như tuần nào cũng đến gặp tôi và nói rằng 'không ai nhớ đến ông đâu. Người dân nước ông, chính phủ của ông đã quên ông rồi. Còn lâu ông mới được về nhà. Ông sẽ phải ở đây 15 năm'", Bae nhớ lại.

"Hiển nhiên, chấp nhận điều này là vô cùng khó khăn đối với tôi", ông nói.

Bae cho biết, ông đã giảm 27 kg trong vòng hai năm sống tại trại lao động khổ sai. Các tù nhân ở đây bị giám sát 24/7. Khoảng 30 nhân viên an ninh luôn túc trực canh gác, bảo vệ trại.

Tờ New York Times đưa tin, trong 4 tuần đầu ở trại, ông Bae còn bị thẩm vấn đến 15 tiếng mỗi ngày.

Chiếc ổ cứng tai hại

Tù nhân Mỹ hé lộ cuộc sống tại trại lao động khổ sai Triều Tiên ảnh 1

Một nữ binh sĩ đứng sau hàng rào dây thép gai bao quanh một trại lao động tập trung của Triều Tiên bên bờ sông Hà Khẩu. Ảnh: News Limited

Bae đang điều hành một công ty du lịch có trụ sở ở Trung Quốc mang tên Nations Tour khi bị bắt hồi tháng 11/2012 ở Triều Tiên.

Giới chức Bình Nhưỡng cáo buộc ông tuyên truyền chống phá Triều Tiên tại các nhà thờ ở Mỹ và Hàn Quốc, âm mưu tiến hành một cuộc đảo chính tôn giáo, kích động bạo loạn và lên kế hoạch tiến hành một chiến dịch bôi nhọ chế độ.

Trước khi bản án của ông được tuyên vào tháng 3/2013, Bae từng thú nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng ông "đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi mang nhầm một ổ cứng di động có các tài liệu thù địch, chống Triều Tiên bên mình".

Ổ cứng này chứa những bài cầu nguyện và hình ảnh về trẻ em chết đói ở Triều Tiên, theo CBS. Bae sau đó nói ông đến Triều Tiên để truyền giáo.

"Một trong các công tố viên bảo rằng tôi là phạm nhân người Mỹ tồi tệ và nguy hiểm nhất họ từng bắt giữ kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên", ông kể. "Tôi hỏi 'Tại sao?' và họ trả lời rằng 'bởi tôi không chỉ truyền giáo mà còn kêu gọi cả người khác gia nhập cùng".

Dù đức tin đẩy ông vào cảnh tù tội nhưng cũng chính đức tin là cứu cánh giúp ông vượt qua mọi trở ngại, Bae nhấn mạnh.

"Nhờ có Chúa nên tôi mới có thể thích nghi dần với cuộc sống trong nhà tù ở Triều Tiên", ông nói. "Và tôi biết chính phủ Mỹ sẽ làm tất cả để đưa tôi về nhà".

Trong khi các quan chức ở Washington đang nỗ lực hết mình để tìm cách giải cứu Bae thì cựu ngôi sao bóng rổ nhà nghề Mỹ Dennis Rodman xuất hiện. Ông này được cho là có đóng một vai trò nhất định trong quá trình đưa Bae về nước.

Rodman đã thúc giục "người bạn" của mình, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, "nhẹ tay với Kenneth Bae". Ông có lần lên tiếng chỉ trích chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama vì không tận tâm trong việc giải cứu Bae.

Tháng 1/2014, Rodman lại giận dữ cáo buộc ông Bae phải làm gì đó sai trái thì mới bị đưa đi lao động khổ sai đến 15 năm. Thế nhưng sau đó không lâu, ông lại quay sang xin lỗi gia đình Bae vì những bình luận này.

Tù nhân Mỹ hé lộ cuộc sống tại trại lao động khổ sai Triều Tiên ảnh 2

Ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman (trái) ôm lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần tới thăm nước này. Ảnh: AP

Trong cuộc phỏng vấn diễn ra hôm qua, Bae vẫn khẳng định Rodman có công trong việc đưa ông rời khỏi Triều Tiên. "Tôi cảm ơn Dennis Rodman vì đã đóng vai trò như một chất xúc tác quan trọng giúp tôi tự do", ông nói.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG