Từ mắt đến tim

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội, cựu lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP HCM đều bị khởi tố bắt giam liên quan đến sai phạm trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế.

Cái “ngưỡng” chạm tới một giới hạn đau lòng đáng báo động, sau những vụ án tương tự tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai và không ít cơ sở y tế tỉnh thành khác trước đó, xảy ra giữa thời điểm dịch bệnh hoành hành...

Mắt, và tim – những biểu tượng dễ dẫn chúng ta đến thứ triết lý kinh điển về bản thể và nhân sinh quan. Nhưng điều đó giải quyết được gì, trong những vụ án chua chát này?

Bốn cán bộ lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội trong đó có một phó giám đốc đều phụ trách lĩnh vực vật tư, mua sắm, có vẻ không liên quan đến chuyên môn y học? Còn Bệnh viện Mắt TP HCM, cựu giám đốc và hai phó giám đốc cùng bị bắt chắc hẳn đều là những bác sĩ.

GS.TS Y khoa, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn phải rút tên khỏi danh sách bầu cử ĐBQH khóa XV mới đây, ngoài lý do sức khỏe, còn vì liên quan đến một số chữ ký của ông với tư cách nguyên giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội giai đoạn 2012-2020 như thông tin từ cơ quan chức năng?

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai vốn là Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, bị đề nghị truy tố trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng cho người bệnh. Cựu giám đốc CDC Hà Nội đã bị tuyên án 10 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng cũng là một nhà khoa học ngành y có học hàm học vị phó giáo sư, tiến sĩ...

Mắt thấy, tim đau.

Hơn 20 năm trước, ông Nguyễn Quang Tuấn sau khi tu nghiệp với kết quả xuất sắc đã từ chối lời mời ở lại giảng dạy nghiên cứu của một trường đại học lớn tại Pháp, để về nước cống hiến. Ngành tim mạch học can thiệp với công lao của GS. Tuấn đã trở thành một trong số ít các lĩnh vực y học của Việt Nam được xếp trình độ ngang tầm với các nước có nền y học phát triển.

Câu nói nổi tiếng tại nghị trường Quốc hội năm 2018 của ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn, đó là “không thể xử một người về trách nhiệm mà họ không được giao”, liên quan đến vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương. Còn giờ đây, ông sẽ phải chịu trách nhiệm gì với tư cách là lãnh đạo bệnh viện vào thời điểm từng xảy ra sai phạm?

“Đương nhiên vi phạm phải xử lý rồi, nhưng nhà nước có trách nhiệm gì ở đây không? Anh không có hướng dẫn, không nói trường hợp nào cấp bách được chỉ định thầu”, chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với lãnh đạo Bộ Tài chính hôm 27/5 liên quan đến những vụ án gần đây trong ngành y tế.

Cụm từ “trách nhiệm của nhà nước” ở đây có thể nhìn rộng ra với nhiều góc độ thấm thía. Như vấn đề những ý kiến chỉ đạo, văn bản hướng dẫn không thể chung chung, mà cần phải được Luật hóa. Như sự nhập nhằng về việc “xã hội hóa” tại các cơ sở y tế, giáo dục công lập. Như cơ chế sử dụng cán bộ. Một nhà khoa học giỏi vừa có thể làm nhà quản lý hoàn hảo được không?

Đã sai phạm thì buộc phải xử lý, không thể nào khác. Nhưng làm sao “Đừng để chúng ta vừa mất tiền, vừa mất người ở đây. Mất người là mất toàn đội ngũ tinh hoa cả, giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân...” như câu thốt lên đầy chua xót của Chủ tịch Quốc hội?

MỚI - NÓNG