Lý do là, Tổng vụ Sức khỏe và Người Tiêu dùng châu Âu (DGSANCO) thông báo từ đầu năm đến nay đã phát hiện ba lô hàng húng quế và mướp đắng của Việt Nam nhiễm khuẩn gây hại, đồng thời ra “tối hậu thư” sẽ cấm nhập rau quả Việt Nam nếu phát hiện thêm hai lô hàng vi phạm nữa trong năm 2014 này.
Ngay lập tức, Cục Bảo vệ thực vật đã có quyết định tạm dừng làm thủ tục xuất khẩu vào EU đối với năm loại rau nói trên từ nay đến hết ngày 31/1/2015.
Báo Tuổi trẻ phản ánh, nhiều doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng đang xuất khẩu năm loại rau nói trên bỗng bị vạ lây, giờ đây sản phẩm của họ dù xưa nay luôn đáp ứng mọi tiêu chuẩn của EU vẫn không được xuất khẩu nữa - ngay từ phía cơ quan chức năng của ta.
Quay lại thị trường trong nước, câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” này cũng không hề hiếm gặp. Mới đây nhất chính là câu chuyện “Một người nhuộm cốm, cả làng lao đao” trên báo Tiền Phong, phản ánh về tình trạng ế ẩm tại làng cốm Mễ Trì (Hà Nội) sau khi một hộ gia đình nơi đây bị phát hiện dùng phẩm màu công nghiệp nhuộm cốm.
Cả làng cốm với hàng trăm cơ sở sản xuất đang vào mùa nhộn nhịp ngày đêm là thế, mà giờ đây theo ghi nhận của PV là “ế ẩm, đìu hiu”, có người trước bán lẻ được hàng chục cân mỗi ngày trên chợ Bưởi nay chỉ vài cân, đau xót hơn có người làng đi bán cốm rong còn bị khách hàng ném cốm vào mặt trả lại.
Qua hai sự việc điển hình nói trên cho thấy, ngày nay dù khách hàng ở trong hay ngoài nước nếu chỉ một vài cá nhân hoặc cơ sở làm ăn không đoàng hoàng tử tế, gây mất chữ tín, có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương hiệu của cả một làng nghề, thậm chí cả một quốc gia.
Chỉ vì 3 lô hàng húng quế và mướp đắng bé con con của một vài doanh nghiệp xuất khẩu làm ẩu, làm bậy mà có thể gây hại cho hàng vạn, hàng triệu người nông dân ở các vùng chuyên canh rau xuất khẩu trên cả nước. Từ một việc làm ẩu, làm bừa ở quy mô rất nhỏ song lại có thể dẫn đến những thiệt hại vô cùng lớn, cả về kinh tế lẫn uy tín trên thương trường quốc tế.
Suy rộng ra, đâu chỉ riêng mỗi cốm hoặc rau, đâu chỉ ở quy mô làng xã hay huyện, tỉnh, mọi hàng hóa, mọi chuyện, mọi việc trong “thế giới phẳng” này đều rất cần chữ tín, cần một tiêu chuẩn, một “luật chơi” đã được chuẩn hóa. Để hội nhập vào các “sân chơi” thời hội nhập toàn cầu này, không cách gì khác bắt buộc ta phải thay đổi tư duy, cách làm ăn chụp giật, làm ăn nhỏ lẻ tiểu nông như vụ làng cốm hay rau húng quế, mướp đắng vừa qua.