Nhuộm cốm bằng phẩm màu công nghiệp

Cốm sạch đang bị cốm dùng hóa chất làm đẹp, phun màu lấn sân
Cốm sạch đang bị cốm dùng hóa chất làm đẹp, phun màu lấn sân
TP - Hà Nội vừa phát hiện một cơ sở dùng hóa chất tạo màu cho cốm. Chuyên gia khẳng định hóa chất này có thể gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng, làm tổn hại thần kinh, thận, gan…

10 giờ sáng ngày 23/9, Đội quản lý thị trường số 6 (quận Nam Từ Liêm) phối hợp với Cảnh sát môi trường, lực lượng Y tế (Hà Nội) tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất cốm của gia đình anh Đỗ Đức Tặng ở làng Mễ Trì Hạ, phát hiện cơ sở này dùng khá nhiều phẩm có màu xanh, vàng để làm màu cho cốm.

Theo ông Nguyễn Đình Cường, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 6, sau khi phát hiện số phẩm màu trên, cán bộ Trung tâm y tế đã test nhanh tại chỗ, kết quả phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép, mà là phẩm màu công nghiệp. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tại chỗ, đội cảnh sát môi trường đã lấy mẫu, niêm phong gửi đi kiểm nghiệm, phân tích mức độ độc hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cũng theo ông Cường, chủ cơ sở sản xuất cốm khai, gia đình này sản xuất cốm phun tẩm phẩm màu là do yêu cầu của khách hàng lấy sỉ, còn họ lấy cốm về chế biến bánh cốm, chả cốm hay bán trực tiếp cho người tiêu dùng họ không rõ. Thông thường, người ta dùng chổi nhỏ vẩy màu cho cốm, cơ sở này còn đầu tư cả máy phun hóa chất để đạt được độ đều màu rất chuyên nghiệp.

Trong khi chờ kết quả kiểm nghiệm hóa chất công nghiệp kể trên, ngày 24/9, UBND quận Nam Từ liêm đã ra quyết định đình chỉ sản xuất đối với cơ sở sản xuất cốm này. Khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu phẩm màu, tùy tính chất, độ độc hại của mẫu sẽ có hình thức xử lý.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ và Thực phẩm sinh học (Trường ĐH Bách khoa) cho hay, hóa chất có màu xanh lá có thể là Malachite green, được dùng trong ngành công nghiệp dệt, nhuộm da, giấy, vải... Theo PGS Thịnh, chất này nằm trong danh mục cấm, vì cực kỳ độc hại, khi ăn trực tiếp, độc tố đi thẳng vào máu có thể gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng về thần kinh, thận, gan, tim…

“Trước đây, Malachite green được dùng để khử trùng ao hồ để tạo màu nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do có nhiều nghiên cứu chỉ ra độ độc hại của nó nhiễm vào tôm, cá cũng sẽ tác động đến sức khỏe người dùng, Tổ chức bảo vệ môi trường thế giới đã khuyến cáo các nước không sử dụng chất này. Trên thực tế, Việt Nam cũng đã cấm sử dụng đối với nuôi trồng thủy hải sản”, ông Thịnh cho hay.

Năm 2011, Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện ra chất Malachite green trong 2 mẫu cốm ở làng Vòng.

Liệu có con sâu làm rầu nồi canh?

Cốm là món ăn truyền thống của người Hà Nội. Cốm thành phẩm được nhập về các cơ sở nhỏ lẻ để bán lẻ hoặc chế biến chả cốm, bánh cốm. Vụ việc được phát hiện đúng thời điểm giữa vụ cốm khiến không ít người tiêu dùng hoang mang.

“Chúng tôi biết vụ việc qua báo chí, tuy nhiên, đơn vị cùng lúc quản lý hàng trăm nghìn sản phẩm. Với lại, cốm là thuộc ngành nông nghiệp quản lý”.

Bà Hoàng Thị Minh Thu, Chi Cục phó Chi Cục an toàn thực phẩm Hà Nội

Chị Hà, nhân viên ngân hàng ở phố Quang Trung (Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng: “mùa cốm này, nhà tôi đã mua khá nhiều về ăn và đi biếu người thân. Mấy hôm trước, vừa ăn món chả cốm có màu xanh lét, tôi đã thấy nghi ngờ”, chị nói. Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 73 cơ sở sản xuất, kinh doanh cốm.

Trong đó, làng Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm) có tới 64 cơ sở; quận Cầu Giấy có 9 cơ sở. Thông thường, mỗi năm các cơ sở sản xuất cốm tươi với 2 vụ cốm vào tháng 3 - 4 và tháng 9-10.

Ông Nguyễn Đình Cường cho hay, tại xã Mễ Trì, cũng có một số cơ sở dùng phẩm màu để sản xuất cốm nhưng là màu thực phẩm nằm trong danh mục cho phép. Tuy nhiên, màu thực phẩm cho phép sử dụng khi phun vào cốm sẽ không đẹp mắt bằng màu công nghiệp.

Riêng cơ sở dùng hóa chất công nghiệp kể trên bị người dân phản ứng rất nhiều, vì họ sợ con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng đến uy tín của hàng nghìn người, hàng trăm gia đình sản xuất, kinh doanh cốm.

Dù chưa có kết quả khẳng định độ độc hại của hóa chất, song với số lượng cốm sản xuất lâu nay đã tung ra thị trường, ít nhiều nó gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, liên hệ với Chi Cục an toàn thực phẩm Hà Nội, đơn vị này cho hay, từ đầu năm đến nay, đơn vị chưa từng đi lấy mẫu cốm nào để kiểm nghiệm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Hoàng Thị Minh Thu, Chi Cục phó Chi Cục an toàn thực phẩm Hà Nội lý giải: “Chúng tôi biết vụ việc qua báo chí, tuy nhiên, đơn vị cùng lúc quản lý hàng trăm nghìn sản phẩm. Với lại, cốm là thuộc ngành nông nghiệp quản lý”.

Cũng theo bà Thu, việc quản lý đã phân cấp về các quận, huyện, xã, phường. Các đơn vị đó chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hằng tháng gửi kết quả báo cáo lên Chi cục. Nếu cơ sở nào vi phạm, cứ theo luật mà xử lý.

MỚI - NÓNG