Hội đồng trường là một thiết chế đã xuất hiện từ Điều lệ trường ĐH nhưng do chưa có những quy định cụ thể về cơ chế đồng bộ để thực hiện nên gần như trong suốt thời gian qua, tổ chức này chưa phát huy được sức mạnh.
Thực tế, tại một số trường, Hội đồng trường lập lên cho có, cho đủ quy định; hoặc có một số trường, hội đồng trường là nơi các hiệu trưởng nghỉ quản lý buông rèm nhiếp chính.
Đối với Luật số 34 cũng như Nghị định hướng dẫn (Nghị định số 99/2019), vai trò của Hội đồng trường đã được quy định cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho hay, trong Nghị định 99, hội đồng trường được quy định khá chi tiết tại 3 điều 7, 8 và 9. Điều đó chứng tỏ, Nghị định đã tạo ra cơ chế để hội đồng trường có vai trò tiên quyết trong định hướng phát triển các trường ĐH, không chỉ phụ thuộc vào hiệu trưởng như hiện nay.
Bà Phụng cũng khẳng định, theo Nghị định, với những Hội đồng trường đã được thành lập chưa đúng theo quy định của Luật số 34 sẽ phải tổ chức thành lập mới hoàn toàn.
Tuy nhiên, về quyền tự chủ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng thừa nhận Nghị định chủ yếu tập trung hướng dẫn chi tiết về quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn của các trường ĐH.
Còn những vấn đề liên quan đến nhân sự, tài chính, các trường thực hiện theo những quy định chung của Luật số 34 và các quy định hiện hành. Trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các nghị định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, quyền tự chủ trong các lĩnh vực này của các cơ sở GDĐH công lập sẽ được quy định đồng bộ. Mặc dù vậy, bà Phụng khẳng định sẽ không có tình trạng văn bản nọ “đá” văn bản kia vì các Nghị định đều do Chính phủ ban hành.
Trong bối cảnh hiện tại, bà Phụng cho rằng không nên có quan điểm tuyệt đối hóa về việc loại bỏ vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp mới là thực hiện tự chủ ĐH. Hội đồng trường của trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu ở cấp trường và các bên có lợi ích liên quan còn cơ quan quản lý trực tiếp là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu ở cấp cao hơn, giúp Nhà nước thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu đối với tài sản công tại các cơ sở GDĐH công lập.
Trong nhiều quy định của Luật số 34 và Nghị định số 99, chủ sở hữu (đối với các trường tư) và cơ quan quản lý có thẩm quyền được quy định song song như quyền yêu cầu, tiếp nhận trách nhiệm giải trình của các trường, cử người vào hội đồng trường, công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường…
“Với vai trò đại diện cho quyền sở hữu nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng hiệu quả các tài sản công tại các cơ sở GDĐH công lập như hiện nay thì không thể phủ nhận vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp” – bà Phụng thông tin.
Tuy nhiên, theo bà Phụng việc cơ quan quản lý trực tiếp cử đại diện tham gia hội đồng trường, công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường không làm giảm quyền tự chủ của cơ sở GDĐH vì hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Sự tác động của một số cá nhân không có yếu tố ảnh hưởng nếu không được tập thể hội đồng trường đồng thuận.
“Vì vậy, không nên căn cứ vào một vài trường hợp cụ thể, cá biệt nào đó để phủ nhận cả một cơ chế. Pháp luật đã tạo cơ chế có đủ điều kiện để loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực của cá nhân lên hội đồng trường (nếu có). Giai đoạn đầu áp dụng pháp luật mới, có thể có lúc, có nơi còn thực hiện chưa chuẩn nhưng cơ chế tập thể hội đồng trường có thẩm quyền quyết định về những vấn đề lớn của trường trong điều kiện tự chủ là phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay và hội nhập quốc tế” – Bà Phụng nói.