Sáng 5/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới dự Lễ khai khóa 2019 và làm việc với Ban lãnh đạo của Đại học Quốc gia TPHCM.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tự chủ đại học là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, giúp các trường phát huy tối đa nguồn lực, khả năng đổi mới lãnh đạo và thích ứng ngày càng cao các nhu cầu của xã hội. Đại học Quốc gia TPHCM thể hiện hình ảnh quốc gia về giáo dục đại học, do đó trường được nhà nước giao quyền tự chủ cao.
Cũng theo Phó Thủ tướng, trong môi trường tự chủ, Đại học Quốc gia TPHCM có thể đảm nhận những vai trò cốt yếu định hướng tạo điều kiện về cơ chế chính sách để các trường thành viên phát huy thế mạnh của mình; khai thác thế mạnh là hệ thống tổ hợp đại học lớn nhất cả nước được nhà nước ưu tiên đầu tư.
Tự chủ đại học trên thế giới đang thay đổi theo hướng phát huy vai trò tự do học thuật, giảm dần sự kiểm soát trực tiếp của cơ quan quản lý đối với đại học. Trên thế giới, khái niệm tự chủ đại học gắn liền với sự thay đổi mối quan hệ giữa nhà nước và trường đại học theo xu hướng phát huy truyền thống đại học, tự do học thuật, tự chủ tổ chức, tự chủ tài chính.
Theo đó, mô hình tự chủ đại học được xếp theo bốn loại: mô hình nhà nước kiểm soát hoàn toàn, bán tự chủ, bán độc lập và hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên, mô hình tự chủ nào thì nhà nước cũng có vai trò giám sát, kiểm tra. Tự chủ càng cao, trách nhiệm giải trình càng lớn và cũng phải đảm bảo công khai, minh bạch.
Theo Phó Thủ tướng, tự chủ đại học là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, giúp các trường phát huy tối đa nguồn lực, khả năng đổi mới lãnh đạo và thích ứng ngày càng cao các nhu cầu của xã hội. Chính nhờ mô hình tự chủ mà chính sách chất lượng cao cho người học của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới là niềm mơ ước của nhiều sinh viên trên toàn thế giới.
“Thực tế cho thấy rằng, ở những nước có nền tự chủ đại học càng cao thì trình độ phát triển của đất nước cũng ngày càng được nâng lên, chất lượng đại học cũng cao và cũng chính là các nước phát triển nhất trên thế giới. Trong một quốc gia, mức độ tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học không giống nhau, điều này phụ thuộc vào chất lượng của cơ sở giáo dục đó như thế nào”, ông Vương Đình Huệ nói.
Mặt khác, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, qua quá trình tự chủ đại học, số lượng các công trình nghiên cứu khoa học tăng lên rất nhiều, bình quân một năm tăng 500 đề tài ở cấp bộ, cấp trường, địa phương. Trong khi đó, cơ cấu lao động chất lượng cao của các trường tự chủ cũng thay đổi nhanh chóng theo hướng tăng trưởng số lượng giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cao cấp, giảng viên chính với khoảng 9%/ năm (so với các trường không tự chủ ở mức khoảng 3%/ năm). Đồng thời, công tác tự chủ đại học cũng đem lại nhiều chính sách phúc lợi đối với người học, như miễn giảm học phí, trích lập quỹ học bổng, quỹ nghiên cứu phát triển, đầu tư cho nghiên cứu khoa học… Tuy vậy, cũng không phủ nhận tự chủ đại học cũng còn diễn ra một số bất cập, đâu đó vẫn còn cơ chế xin – cho.