Từ 1/10 Đồng Nai áp dụng vùng xanh đến quy mô ấp, khu phố

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 29/9, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Đồng Nai yêu cầu các địa phương hoàn chỉnh kế hoạch quản lý xã hội theo hướng ấp xanh, khu phố xanh sát với dân hơn để có thể áp dụng thực hiện từ ngày 1/10. 

Sau hơn 1 tuần thực hiện kế hoạch 11102 của UBND tỉnh về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng dịch COVID-19 trong tình hình mới, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Đồng Nai đánh giá từ các địa phương đã dần kiểm soát tốt dịch bệnh để tiếp tục thực hiện kế hoạch bình thường mới từ ngày 1/10.

Từ 1/10 Đồng Nai áp dụng vùng xanh đến quy mô ấp, khu phố ảnh 1

Một doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ ổn định trong suốt mùa dịch

Trước kế hoạch mở rộng vùng xanh đến khu vực ấp, khu phố, tất cả các địa phương đều đồng tình. Bởi theo các địa phương này, cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát, nhiều khu vực người dân đã được tiêm vắc xin và rất mong được đi làm trở lại. Các doanh nghiệp cũng đang cần có công nhân để hoạt động sản xuất. Việc mở rộng vùng xanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và thúc đẩy sự hồi phục phát triển.

Ông Nguyễn Quang Phương - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, đến thời điểm này chính quyền địa phương đã thực hiện kiểm soát chặt các khu nhà trọ đồng thời cung cấp an sinh xã hội nên người dân yên tâm thực hiện phòng chống dịch. Hiện các ca nhiễm đã giảm mạnh trong đợt xét nghiệm trong tuần qua, tỷ lệ ca nhiễm trên địa bàn huyện chỉ có 2 ca dương tính/1.000 người xét nghiệm.

“Việc mở cửa vùng xanh hơn 1 tuần qua người dân rất phấn khởi, tuy nhiên hầu hết công nhân và các nhà máy đều nằm tại xã Thạnh Phú, xã Thiện Tân là các xã vùng đỏ nên công nhân chưa thể đi làm được, nhà máy chưa thể hoạt động được" - ông Phương nói. Ông Phương cũng đề nghị cần phải mở vùng xanh đến khu vực ấp để người dân đủ điều kiện đi làm, đồng thời không nên áp dụng quy định vùng đỏ đối với doanh nghiệp, vì các doanh nghiệp đã ngưng sản xuất một thời gian dài và doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch phòng, chống dịch.

Ông Hồ Văn Nam - Bí thư Thành ủy TP Long Khánh, cho biết nơi đây đã đạt tiêu chí vùng xanh nên tâm lý người dân, doanh nghiệp rất phấn khởi. TP có 2 khu công nghiệp và 39 doanh nghiệp đăng ký 3 tại chỗ với khoảng 5.000 trong tổng số hơn 17.000 công nhân đã đi làm. "Với tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin trên 70%, thành phố sẵn sàng chuyển sang trạng thái bình thường mới"- ông Nam nói.

Đồng ý với chủ trương mở rộng vùng xanh đến ấp, khu phố, ông Đào Văn Phước - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng: “Khoanh vùng rộng quá, tâm lý người dân rất lo lắng. Hiện nay có nhiều vùng xanh an toàn nằm trong vùng đỏ quá rộng, do vậy chúng ta nên mở rộng vùng xanh để có lao động cho doanh nghiệp hoạt động”.

Trước chủ trương mở ấp xanh, khu phố xanh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị UBND tỉnh sớm đưa ra chỉ đạo bằng văn bản về kế hoạch mở ấp xanh từ ngày 1/10. Trong đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch quản lý xã hội theo hướng mở ấp xanh, khu phố xanh sát với dân hơn.

Từng xã, phường phải xây dựng ngay kế hoạch quản lý xã hội theo hướng mở rộng vùng xanh để cho người dân được sinh hoạt, đi làm bình thường ở một số lĩnh vực và không tụ tập quá 10 người, quá 20 người theo từng cấp độ...

“Trước đây chúng ta chủ trương xử lý trách nhiệm lãnh đạo nếu để xảy ra F0, nay chúng ta chấp nhận “sống chung với COVID-19”, thì việc xuất hiện một số ca cộng đồng cũng là chuyện bình thường, trách nhiệm là việc xử lý, chống dịch sao cho hiệu hiệu quả. Do vậy, khi xuất hiện các ca F0, cần bình tĩnh để xử lý. Đừng vì sợ mà siết chặt, khóa chặt, khiến người dân không thở được, doanh nghiệp không làm ăn được, xã hội không phát triển” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nói.

Về việc trao quyền chủ động cho doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng khẳng định: “Đây là đã chủ trương rồi. Giám đốc doanh nghiệp phải tự lập ra kế hoạch an toàn cho doanh nghiệp mình khi đi vào sản xuất và tự quyết định sản xuất hay dừng. Trên cơ sở kế hoạch của doanh nghiệp thì các cấp, các cơ quan chức năng góp ý cho doanh nghiệp hoàn thiện kế hoạch và nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện kế hoạch đó một cách tốt nhất. Doanh nghiệp phải tự quyết định giải pháp đối với hoạt động của mình. Chúng ta phải hỗ trợ hết mình cho doanh nghiệp tái sản xuất trở lại”.

MỚI - NÓNG