Đó là chia sẻ truyền cảm hứng về sứ mệnh chuyển đổi số của thanh niên của ông Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Yên Bái khi tham luận tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái lần thứ XV, nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Thanh niên - người dẫn đầu về chuyển đổi số
Chia sẻ về sứ mệnh chuyển đổi số của thanh niên, ông Tiến cho biết, Yên Bái đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Như lời của Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy, chuyển đổi số là cơ hội để một tỉnh nghèo như Yên Bái dù “đi sau”, nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác. Vì vậy, Tỉnh ủy đã Nghị quyết số 51 (tháng 7/2021) và trong 1 năm qua, đã ban hành hơn 20 chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh để thực hiện chuyển đổi số.
Ông Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Yên Bái trao đổi truyền cảm hứng về sứ mệnh chuyển đổi số của thanh niên |
Năm 2022 là năm tổng tấn công về chuyển đổi số. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022 theo hình thức trực tuyến tới 100% xã, phường, thị trấn; đưa toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh Yên Bái vào cuộc chuyển đổi số.
“Nói một cách nôm na: chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ chính trị đang được cả hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái vào cuộc”, ông Tiến nhấn mạnh.
Nêu câu hỏi với các đại biểu dự đại hội: “Ai nên là người dẫn đầu về chuyển đổi số?”, ông Hoàng Minh Tiến tự trả lời: “Thanh niên, thanh niên và thanh niên”.
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái khóa XV, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Ảnh: Như Ý |
Theo ông Tiến, sứ mệnh người dẫn đầu chuyển đổi số không ai khác là thanh niên. Ông Tiến cho rằng, đối với nhiều người khác, rào cản lớn nhất để sử dụng công nghệ số một cách hiệu quả là thiếu nhận thức, kỹ năng số.
Đặc biệt là đối với người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, những nơi người dân chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ hoặc chưa khám phá ra nhu cầu sử dụng công nghệ số. Nhưng đối với thanh niên thời nay, nhận thức và kỹ năng số lại cần như là “trời sinh”. Bạn trẻ bây giờ quá quen với điện thoại thông minh, Facebook, Zalo, ví điện tử…; thậm chí bây giờ sẽ không quen nếu không kết nối Internet 24/7.
“Thanh niên là người tiếp cận công nghệ tốt nhất; có khả năng học hỏi, nắm bắt công nghệ nhanh, nghĩa là có lợi thế rất lớn trong việc thích nghi với môi trường số, với các công nghệ số. Là hiển nhiên người tiếp cận công nghệ nhanh nhất nên là người dẫn đầu về chuyển đổi số”, ông Tiến nhấn mạnh.
Bí thư Chi Đoàn làm Tổ trưởng Tổ chuyển đổi số cộng đồng
Ông Tiến cho biết, hiện Yên Bái đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng tới 100% cấp xã, cấp thôn gồm 1.529 Tổ chuyển đổi số cộng đồng (173 cấp xã và 1.356 cấp thôn) với hơn 10.500 thành viên tham gia. Trong đó, các Tổ trưởng Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã đều là các đồng chí Bí thư Đoàn xã.
Tổ chuyển đổi số cộng đồng gồm các thành viên khác như: giáo viên, công chức, công an xã, nhân viên doanh nghiệp bưu chính - viễn thông và những người dân yêu, đam mê và sẵn sàng thử công nghệ. Nhiệm vụ chính của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng là lan toả nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số và hỗ trợ người dân trong việc cài đặt, sử dụng các ứng dụng, nền tảng số.
Đoàn Thanh niên cơ sở đồng hành cùng chính quyền cơ sở trong việc khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể là bố trí người trực tại các cơ quan nhà nước để hướng dẫn người dân thao tác nộp hồ sơ trực tuyến, vừa giảm tải cho cơ quan nhà nước, vừa nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Khi đã thấy có lợi ích rõ ràng, người dân sẽ dần hình thành thói quen và tự nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà cho những lần sau.
Theo ông Tiến, một việc khác mà tổ chức Đoàn có thể tham gia thực hiện chuyển đổi số là việc hỗ trợ, hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Việt Nam.
Nhấn mạnh, chuyển đổi số là một hành trình; không phải là đích đến; những gì chúng ta cần làm còn rất nhiều, ông Tiến cho rằng, công nghệ thay đổi liên tục, đây là xu thế khách quan, tất yếu, và chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài chuyển đổi số và chuyển đổi số nhanh hơn nữa nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Ông Tiến cho rằng, hiện nay, việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến vẫn còn khá lạ lẫm với người dân tại nhiều vùng miền, dẫn tới việc người dân vẫn đến các cơ quan nhà nước để thực hiện các thủ tục hành chính.
Vì vậy, Đoàn Thanh niên, trước hết là hình thành các công dân số, khuyến khích các đoàn viên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tích lũy kĩ năng, kinh nghiệm để hướng dẫn người trong gia đình và người dân thực hiện.