Truy vấn các tư lệnh ngành cả nhiệm kỳ

Quốc hội sẽ chất vấn các tư lệnh ngành theo chuyên đề, thay vì lựa chọn chất vấn từng bộ trưởng (Trong ảnh: ĐB Trương Trọng Nghĩa chất vấn thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 9). Ảnh: Như Ý.
Quốc hội sẽ chất vấn các tư lệnh ngành theo chuyên đề, thay vì lựa chọn chất vấn từng bộ trưởng (Trong ảnh: ĐB Trương Trọng Nghĩa chất vấn thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 9). Ảnh: Như Ý.
TP - Trong tuần này, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ về những vấn đề còn tồn tại trong cả nhiệm kỳ qua. Khác với các phiên họp trước, tại kỳ này Quốc hội sẽ chất vấn các tư lệnh ngành theo chuyên đề, thay vì lựa chọn chất vấn từng bộ trưởng.

Đây cũng là dịp để các đại biểu (ĐB) Quốc hội truy vấn các tư lệnh ngành trong cả nhiệm kỳ vừa qua. Trong 2,5 ngày chất vấn, toàn bộ các tư lệnh ngành sẽ có mặt tại Phòng họp Diên Hồng để trả lời khi ĐB nêu câu hỏi chất vấn liên quan ngành mình phụ trách.

Theo kế hoạch, sáng nay (16/11), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Sau đó, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội… Ngay sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận về các báo cáo và chất vấn lại một số vấn đề.

Cần có giải pháp mạnh mẽ chống oan sai

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói: “Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn với tất cả các thành viên Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Nội dung chất vấn cũng không bị khống chế theo nhóm vấn đề, ĐB có thể chất vấn bất kỳ nội dung gì mình quan tâm. Cách thức chất vấn như thế là hoàn toàn phù hợp. Thực tế cho thấy thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên một số ngành, một số lĩnh vực nhất định vẫn còn tồn tại một số bất cập, khiến cử tri chưa an tâm.

Ngay tại kỳ họp Quốc hội này, nhiều ĐB cũng bày tỏ lo lắng về tình hình tội phạm và nhất là những vấn đề liên quan đến oan sai. Chúng ta đấu tranh phòng chống tội phạm, không để bỏ lọt tội phạm nhưng đồng thời cũng không được để xảy ra oan sai. Vì làm oan người vô tội để lại hậu quả rất nặng nề, thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần. Do đó, vấn đề cải cách tư pháp hiện nay là làm sao phải đáp ứng được cả hai yêu cầu đó”.

Chất vấn vụ bôi trơn sổ đỏ

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói: “Có rất nhiều vấn đề mà ĐB nêu ra liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau, thậm chí liên quan đến sự điều hành của Chính phủ chứ không phải một bộ, ngành nào nên việc chất vấn một bộ, một bộ khác trả lời thì không giải quyết hết vấn đề. Việc đổi mới hoạt động chất vấn là cần thiết và tại kỳ này tất cả thành viên Chính phủ đều có mặt tại phiên chất vấn. ĐB chất vấn vấn đề nào thì các thành viên Chính phủ sẽ trả lời cụ thể vấn đề đó.

Hoạt động chất vấn cũng đôn đốc các bộ trưởng, đốc thúc các hoạt động quản lý Nhà nước chuyển biến, tuy nhiên để kịp với sự mong đợi của xã hội đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước thì có thể chưa đạt được. Tôi dự định sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT về vụ bôi trơn sổ đỏ. Đối với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, vừa qua tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, Bộ trưởng có nói về vấn đề phân bón giả và nhận được nhiều phản hồi từ cử tri cả nước. Tuy nhiên, hiện nay không chỉ tình trạng phân bón giả mà còn giống cây trồng giả, giống vật nuôi giả, cái gì cũng có thể làm giả được và đang làm khổ người nông dân. Đó là chưa kể nạn lừa đảo tràn về nông thôn, ví như bán hàng đa cấp, góp quỹ từ thiện… đang tràn về nông thôn. Ai sẽ là người bảo vệ cho người nông dân, vừa yếu thế vừa nghèo khổ là vấn đề cần được đặt ra”.

Truy vấn các tư lệnh ngành cả nhiệm kỳ ảnh 1

Quốc hội sẽ chất vấn các tư lệnh ngành trong cả nhiệm kỳ. Ảnh: H.L.

Vẫn còn thiếu chế tài

ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) nói: “Các bộ trưởng khi hứa ở diễn đàn Quốc hội rất tâm huyết, nhưng cơ chế phối hợp, điều hành chưa tập trung vào những vấn đề trọng tâm, thiết thân với nhân dân, cử tri, nhất là vấn đề liên quan đến đời sống người dân. Kỳ họp nào cũng nêu lên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, được mùa rớt giá, được giá mất mùa... rồi vấn đề nhũng nhiễu trong bộ máy công quyền, yếu kém, bộ máy cồng kềnh... Tuy nhiên, đã trôi qua gần hết nhiệm kỳ, nhưng việc tổ chức thực hiện thì rõ ràng chưa mạnh.

Phiên chất vấn 2,5 ngày sẽ được tường thuật trực tiếp trên VTV và VOV.

Các bộ trưởng nếu nhìn lại không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng cuối nhiệm kỳ rồi. Ở đây không có chế tài nên tính chịu trách nhiệm buộc các bộ trưởng, tư lệnh ngành phải thực hiện đầy đủ tinh thần Nghị quyết không có. Cho nên không xử lý được với các bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu chúng ta có cơ chế, ví dụ qua cuộc chất vấn cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với bộ trưởng trong nhiệm kỳ đó thì sẽ có tác dụng hơn”.

Nợ cử tri câu trả lời mạnh mẽ về chủ quyền

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nói: “Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành dành sự quan tâm đặc biệt đến việc trả lời chất vấn và giải quyết các vấn đề do ĐB đặt ra. Chính sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt đó mà nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã có những chuyển biến tích cực, được cử tri đánh giá cao như xây dựng, giao thông, ngân hàng,… Tuy nhiên, cũng còn một số lĩnh vực chưa tạo ra sự an tâm cho người dân, nhất là trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng. Nơi nào cũng thấy cử tri kêu về tham nhũng và thắc mắc, băn khoăn tại sao dù đã quyết tâm, đưa ra nhiều biện pháp mà tham nhũng vẫn chưa giảm? Tại sao đến tận thời điểm này rồi mà đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn ở thế cầm cự, đối phó?… Tất cả những điều này tôi cho rằng cần có câu trả lời thỏa đáng tại phiên chất vấn để cử tri an tâm.

Một vấn đề khác mà tôi đặc biệt quan tâm trong phiên chất vấn tới chính là vấn đề biển Đông. Rõ ràng trong nhiệm kỳ qua, đất nước ta đứng trước những thách thức to lớn về an ninh, chủ quyền biển đảo, nhiều lúc “căng như dây đàn”… Đến giờ, dù tình hình đã yên ắng hơn nhưng tôi thấy mình vẫn còn nợ cử tri, nhân dân những câu trả lời mạnh mẽ, kiên quyết, dứt khoát về vấn đề biển Đông. Vì thế, sắp kết thúc nhiệm kỳ rồi, câu chuyện này cũng cần phải được nói rõ để cử tri và ĐB an tâm. Tôi chắc rằng trong phiên chất vấn này, vấn đề biển Đông sẽ được nhiều ĐB quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ”.

MỚI - NÓNG