Ốm đau mới được ủy quyền
Liên quan quy định chất vấn và trả lời chất vấn, báo cáo giải trình về dự thảo luật đề cập ý kiến đề nghị cần phải quy định rõ khi trả lời chất vấn bằng văn bản, người trả lời chất vấn phải trả lời trực tiếp. Theo Ủy ban Thường vụ QH, tiếp thu ý kiến ĐB, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định rõ về quy trình chất vấn, trả lời chất vấn theo hướng này.
Thảo luận tại hội trường, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, Luật Tổ chức QH cũng như Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành quy định rõ những đối tượng chịu sự chất vấn là các chức danh cụ thể liên quan công việc cụ thể.
Tuy nhiên, trên thực tế vừa qua có nhiều chất vấn Thủ tướng, Chủ tịch UBND nhưng người trả lời lại thường là các Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND. ĐB Nghĩa cho rằng, sở dĩ có thực tế này do xuất phát từ việc pháp luật hiện hành không bắt buộc chức danh bị chất vấn phải trực tiếp trả lời, cũng không cấm việc ủy quyền, thế nhưng dự thảo luật mới lại không điều chỉnh vấn đề này.
“Đại biểu là người đại diện cho cử tri, mà cử tri thì luôn mong muốn chất vấn chức danh nào thì chính chức danh đó trả lời”.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa
“Tôi đề nghị cần quy định rõ điều 15, 60 của dự thảo luật theo hướng các chức danh bị chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn. ĐBQH, HĐND chất vấn chức danh nào thì chức danh đó phải trực tiếp trả lời. ĐB là người đại diện cho cử tri, mà cử tri thì luôn mong muốn chất vấn chức danh nào thì chính chức danh đó trả lời, nhằm khắc phục hạn chế, tìm ra được giải pháp tối ưu cho việc điều hành đất nước, địa phương”, ông Nghĩa nêu.
Đồng tình với việc này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng đề nghị, khi trả lời chất vấn cấp trưởng phải trả lời, không ủy quyền cho cấp phó. Theo ĐB Thuyền, trong khi cấp trưởng đang ở nhà mà cấp phó lại trả lời là rất vô lý.
“Tôi có dự mấy cuộc chất vấn ở HĐND, thấy giám đốc sở đang ngồi tại đó, nhưng cấp phó lại lên trả lời(!?). Nếu luật không quy định rõ thì tất cả đều giao cho cấp phó hết. Phải quy định rõ điều này, chỉ khi nào cấp trưởng vắng mặt vì lý do nào đó, như đi nước ngoài, hay ốm đau bệnh tật thì mới được ủy quyền”, ĐB Thuyền đề nghị.
Giám sát phải đi sâu đi sát
Cho rằng giám sát chuyên đề đã có nhiều tiến triển, tuy nhiên theo ĐB Huỳnh Nghĩa, hiệu quả giám sát còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. “Một số cuộc giám sát chuyên đề vẫn còn tình trạng cưỡi ngựa xem hoa, chưa đi sâu đi sát, nắm tình hình, chưa đánh giá đúng tình trạng để có kết luận chính xác”, Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng nói.
Để khắc phục điều này, theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền, cần phải quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của người giám sát và đơn vị bị giám sát, tránh tình trạng “giám sát xong là chào các bác em về”. ĐB Thuyền nói rằng, giám sát việc cấp phát cho người nghèo, nhưng “dê lạc vào nhà bí thư” mà không biết thì gay. ĐB Thuyền đề nghị quy định rõ, khi giám sát vừa phải nghe báo cáo vừa phải đi nghe đối tượng được thụ hưởng. Ngoài ra, cũng cần phải quy định rõ trách nhiệm giám sát của từng cấp, bởi trình độ ĐBQH với ĐB ở HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, xã là khác nhau.
ĐBQH Đỗ Văn Đương (TPHCM) cũng cho rằng, lâu nay kết quả hoạt động giám sát chuyên đề hay “nghe ngóng” chứ chưa đi vào bên trong. “Các cụ nói ở trong chăn mới biết có rận, mới biết rận như thế nào”, ĐB Đương nói và đề nghị quy định, đoàn giám sát phải nghiên cứu trực tiếp hồ sơ tài liệu liên quan đến nội dung giám sát.
Ông Đương nói rằng, giám sát vụ án oan sai thì phải có hồ sơ, trực tiếp đi gặp và hỏi người bị giam, các điều tra viên... xem họ nói về vấn đề này như nào. Ngoài ra, theo ĐB Đương, đoàn giám sát phải có quyền yêu cầu đơn vị chịu sự giám sát phải tự thanh tra, kiểm tra và thông báo lại cho đoàn giám sát biết được kết quả thế nào.