Chất vấn mà đòi bằng chứng là rất vô lý

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
TP - Ngày 24/8, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về hai dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Có bằng chứng nhưng cả năm vẫn bị “treo”

Đề cập đến khái niệm “bằng chứng” khi chất vấn, đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đề nghị phải quy định, việc đưa ra bằng chứng là không bắt buộc. “ĐB là ĐB của dân, họ nêu vấn đề khi có ý kiến của cử tri. Các thành viên Chính phủ có trách nhiệm trả lời có hay không? Tuy nhiên lâu nay có thực trạng khi chất vấn lại cứ hỏi bằng chứng đâu? 

Đây là cái rất vô lý vì không có cơ chế nào hay bộ máy nào để ĐB đi điều tra, xác minh xem có việc đó hay không để đưa ra bằng chứng”, ông Cương nói. Tuy nhiên, ĐB Cương nhấn mạnh: “Ngay chuyện “bôi trơn” làm sổ đỏ, tôi đã cung cấp bằng chứng, cung cấp cho cả thanh tra, thanh tra ra kết luận, chuyển cơ quan điều tra. Đến tháng 9 này tròn năm mà cứ treo đó, không trả lời gì cả”.

Để giám sát không bị trôi đi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, giám sát xong cần phải có hai kết quả: Ra kiến nghị và kết luận. Người ra kết luận phải chịu trách nhiệm về kết luận, còn người chịu giám sát phải chấp hành, thi hành kết luận đó.

ĐB Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, cho rằng, hoạt động giám sát dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn hình thức, còn “cưỡi ngựa xem hoa”. “

Tới đây chúng ta đi giám sát về đất rừng, tôi dám chắc nếu chỉ giám sát trên văn bản báo cáo thì đất rừng của ta còn nhiều lắm nhưng có đi thực tế kiểm tra mới thấy đất rừng đang giảm sút nghiêm trọng. Nếu không kiểm tra thì sẽ khó kết luận chính xác, như thế có khi còn tiếp tay cho sai phạm”, ĐB Bùi Mạnh Hùng nêu.

Không chấp nhận từ chối giải quyết

Cùng ngày, cho ý kiến về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, quy định tòa án từ chối giải quyết vì chưa có điều luật trong dự thảo là không thể chấp nhận được. 

“Nhân danh công lý, lẽ phải mà nói thẩm phán không biết xử kiểu gì thì không nên làm thẩm phán. Người dân không chấp nhận ông làm thẩm phán mà từ chối giải quyết”, ông Lịch đề nghị rút lại quy định này. 

Cùng cách nhìn nhận, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu quan điểm: “Tòa án phải thụ lý chứ để dân chạy lòng vòng thì chết. Có thời điểm dân cứ lên Viện, Viện lại đẩy sang Tòa. Anh phải thụ lý, còn tuyên thua hay thắng lại là chuyện khác”.

MỚI - NÓNG