Thủ tướng trả lời chất vấn về 'phong trào' xây quảng trường

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
TPO - Ngày 3/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản số 1261 trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Việt Trường (An Giang) về “phong trào” xây quảng trường hoành tráng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Việt Trường (An Giang) nêu ra tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII về việc xây dựng quảng trường hoành tráng đang có dấu hiệu phát triển thành "phong trào", cá biệt có nơi còn xây mới "Văn Miếu".

Theo ông Trường, đây là việc làm đi ngược với sự chỉ đạo của Chính phủ về tiết kiệm chi, dồn vốn cho đầu tư phát triển. “Việc xây dựng quảng trường của các tỉnh, thành phố có nằm trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt không? Kinh phí xây dựng lấy từ nguồn nào? "Phòng trào" này có nên tiếp tục phát triển trong tình hình hiện nay không, khi mà ngân sách nhà nước còn khó khăn, nợ càng ngày càng cao?”, ông Trường chất vấn

Trong văn bản trả lời câu hỏi mà đại biểu nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, quảng trường là không gian chung của các đô thị, là địa điểm sinh hoạt chung của cộng đồng nhân dân, nơi diễn ra các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đến thời điểm hiện nay, không có quy hoạch chung cho hệ thống quảng trường cả nước.

Theo Luật Quy hoạch đô thị, việc thiết kế quảng trường là một phần của nội dung thiết kế đô thị. Theo khoản 1, Điều 44, Luật Quy hoạch đô thị, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I, quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên và đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên. Nội dung quy hoạch chung đề cập đến mô hình phát triển không gian, kiến trúc, môi trường. Việc quy hoạch chi tiết, quyết định đầu tư xây dựng các quảng trường trong các đô thị thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Đồng thời, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, quảng trường tại các tỉnh, thành phố là công trình của các tỉnh, thành phố và do ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí vốn thực hiện. Quyết định xây dựng các quảng trường thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố. Trên thực tế, hầu hết các quảng trường tại các tỉnh, thành phố được xây dựng bằng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đối với ngân sách trung ương, căn cứ tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trong từng giai đoạn, ngân sách trung ương bổ sung hỗ trợ một phần vốn để thực hiện của các dự án đầu tư phát triển tại địa phương.

Trong những năm qua, ngân sách trung ương đã hỗ trợ một phần vốn xây dựng một số quảng trường như: Quảng trường Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ gắn với di tích Đền Hùng, Quảng trường Nguyễn Tất Thành tại tỉnh Tuyên Quang gắn với tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Thủ tướng, việc xây dựng quảng trường tại các đô thị là tạo lập không gian sinh hoạt chung, phù hợp với xu thế phát triển đô thị văn minh hiện đại và cần được nghiên cứu trên cơ sở tổng hòa giữa nhu cầu của địa phương, cộng đồng dân cư; theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của các Bộ quản lý ngành có liên quan; thời điểm, lộ trình phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng huy động vốn.

Đối với việc xây dựng "Văn Miếu", Thủ tướng cho biết, do HĐND, UBND các tỉnh, thành phố quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về nguồn vốn, quy mô, mức độ ưu tiên so với các công trình trên địa bàn của tỉnh, thành phố. Các "Văn Miếu" này chưa phải là công trình di tích, di sản văn hóa nên cũng không chịu sự điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa hoặc các Luật chuyên ngành về văn hóa khác.

Hiện nay, theo Luật Đầu tư công, cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả kinh tế - xã hội của công trình cũng như khả năng cân đối đủ vốn đầu tư thực hiện công trình. Các công trình, dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương phải tuân thủ quy trình lựa chọn nhất định, phù hợp với mục tiêu, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và mức hỗ trợ của ngân sách trung ương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn bổ sung lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020. Theo đó, các địa phương tập trung bố trí vốn cho các dự án hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, các dự án chuyển tiếp; bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản sau đó mới bố trí cho các dự án khởi công mới, đồng thời cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn các dự án trọng điểm, quan trọng có tác động lớn đến phát triển ngành, lĩnh vực và liên vùng để bố trí vốn giai đoạn tới.

MỚI - NÓNG