Phiên chất vấn các bộ trưởng: Hé lộ nhiều điều

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trao đổi với các đại biểu bên lề Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trao đổi với các đại biểu bên lề Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Phiên chất vấn các vị tư lệnh ngành công thương, khoa học - công nghệ… ngày 12/6 hé lộ nhiều điều cho công luận cùng báo chí.

Giải mã việc vênh nhau 20 tỷ USD

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trơn mạch đoạn trả lời đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về con số vênh nhau 20 tỷ USD nhập siêu giữa Việt Nam và Trung Quốc rằng, hầu hết các nước đều gặp tình trạng không khớp về số liệu thống kê, không riêng gì Việt Nam. Chẳng hạn, năm 2014, Việt Nam xuất sang Singapore theo số liệu thống kê của Việt Nam là 9,8 tỷ USD, nhưng phía Singapore là 16,1 tỷ USD. Giữa Việt Nam và Hàn Quốc là…, giữa Việt Nam và Trung Quốc là… Vừa đến đoạn ấy, chủ tọa phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng e hèm (chắc là muốn tiết kiệm thời gian, gợi ý cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nên trả lời bằng văn bản cho ĐBQH vấn đề này chăng?). Ngay sau đó, vị trưởng ngành công thương nhanh chóng chuyển sang nội dung trả lời khác.

Ngẫm lại thấy chủ tọa phiên chất vấn cũng có lý vì chiều 8/6, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã làm rõ vấn đề mà ĐBQH Mai Hữu Tín (Bình Dương) đặt ra trong phiên họp buổi sáng rằng, ông băn khoăn số liệu chênh lệch 20 tỷ USD nhập siêu từ Trung Quốc mà đại biểu này cho rằng “không ai biết”. Đại để, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói rõ là do cách thống kê mỗi nước có khác nhau. Chẳng hạn thường bên xuất theo giá FOB (giá hàng hóa không bao gồm cước vận chuyển và phí bảo hiểm), bên nhập lại theo giá CIF (tính thêm phí bảo hiểm và cước vận tải). Thứ nữa là hàng hóa Việt Nam đưa vào mỗi nước tính giá trị xuất khẩu theo dòng tiểu ngạch không phải buôn lậu mà qua hải quan, nhưng bạn lại không tính con số ấy. Và nữa, cách tính thuế mỗi bên khác nhau nên cách tính giá trị hàng hóa của hải quan các nước cũng khác nhau.

“Giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phía bạn tính thấp đi, ngược lại, giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam lại được tính cao lên, do tính theo nguyên tắc xuất xứ hàng hóa. Không phải xuất là xuất, nhập là nhập. Xuất xứ và thống kê hàng hóa hiện đang rất phức tạp”, trưởng ngành KH&ĐT nhận xét. Nghe vậy thì biết vậy! Bởi vừa mới bên Bồ Đào Nha trong nhóm tháp tùng chuyến thăm của Thủ tướng, anh em báo chí vững tâm khi gương mặt của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bình thản khi nghe thông tin từ cơ quan trách nhiệm Bồ Đào Nha, trong đó có đoạn kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Bồ Đào Nha theo thống kê của Bồ Đào Nha là 340 triệu USD, nhưng thống kê của Việt Nam là 280 triệu USD, chênh nhau đến 30%.

Giờ giải lao, Trung tâm Báo chí tại Hội trường Ba Đình chia làm hai. Cánh báo chí theo dõi phiên chất vấn có thẻ sự kiện được lên tầng 3 tiếp cận các ĐBQH. Số ký giả còn lại sôi nổi luận đàm về cái đoạn bị cắt ngang của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. Số thì cho rằng cách giải thích của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bữa trước (8/6) nghe được. Nhưng số băn khoăn cũng không phải ít. Nhóm PV từng lên Hà Giang đầu năm nay góp chuyện, họ ngó thấy hàng đoàn xe tải chở quặng sắt, quặng đồng từ mỏ Tùng Bá (Vị Xuyên) và mấy mỏ khác ngược lên cửa khẩu Thanh Thủy sang Trung Quốc bị CSGT chặn phạt vì chở quá tải. Quặng ấy đa phần là thứ thô. Lại nghe nói, họ mang sang bên đó không phải chế biến thành quặng tinh mà cứ chôn lấp chỗ nào đó coi như thứ mỏ mai kia moi lên dùng.

Cậu PV dịu giọng lại, các ông có đảm bảo những thứ khoáng sản dạng thô ấy đều hợp pháp cả không? Nếu hợp pháp thì được tính theo dạng tiểu ngạch hay đại ngạch đây? Không phải buôn lậu vẫn qua Hải quan, nhưng ông bạn có tính cho mình con số đó để biên khai vào sổ kim ngạch như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh từng nói không? Rồi những hàng hóa khác, như Bộ trưởng KH&ĐT từng băn khoăn nghi vấn về tình trạng xuất khẩu lậu từ Việt Nam sang Trung Quốc, bất chấp chính sách ưu đãi thuế? Liệu hằng năm có bao nhiêu mặt hàng bị cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu phải chịu thuế, như tài nguyên khoáng sản của Việt Nam, bị xuất lậu?

Rồi một “ma xó” khác ở một bao phía Nam dẫn hẳn câu nói của TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam rằng, thống kê của Việt Nam chưa được đầy đủ như của Trung Quốc. Thứ hai là việc buôn lậu qua đường biên giới không được thống kê. “Thực ra thì giao thương qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc từ xưa nay vẫn có và người ta không đánh giá cao lắm, cho nên biết là vậy nhưng vẫn để trao đổi bình thường. Thế nhưng vì bỏ qua cái nhỏ dẫn đến sơ suất cái lớn, vì vậy tôi nghĩ nên có kiểm điểm lại. Việc kiểm soát biên giới Việt Nam cần phải phân cấp cho địa phương thì mới tốt hơn được, chứ hiện nay toàn những cửa khẩu quốc gia, vì vậy, quản lý không được linh hoạt và chặt chẽ. Ông Viện trưởng cho rằng, sắp tới sẽ có những chính sách khắc phục điều này”, vị PV nói.

Bao giờ?

Bên Việt Nam nhập gì? Phía Trung Quốc nhập gì? Ai cũng biết hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, nếu không qua hải quan, khi đưa ra thị trường tiêu dùng, giá rất rẻ, mặt hàng trong nước không cạnh tranh nổi, nên một số mặt hàng bị Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường đến 100%. Câu chuyện râm ran thêm về hàng hóa Trung Quốc xuất sang Việt Nam nghe nói nhiều thứ rất độc hại,  như thực phẩm, đồ chơi trẻ em, nhưng không kiểm soát được vì không qua kênh chính thức. Đặc biệt, có loại thuốc tăng trưởng khiến rau trong một đêm dài cả gang tay. Nhỡn tiền, vùng trồng rau ngoại thành, họ trồng một luống riêng cho nhà ăn, còn luống khác, thửa khác dùng thuốc Trung Quốc thì đem bán. Dân nội thành lắm nhà phát kinh, ùn ùn rủ nhau mua thùng xốp về rinh lên sân thượng trồng rau. Không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề môi trường.

Ngồi với các bạn đồng nghiệp, nghĩ những câu nói của bộ trưởng, viện trưởng rằng trúng và đúng, nhưng chỉ là khái niệm. Thầm mong mai kia những khái niệm ấy sẽ sinh sắc, sống động thêm khi có những điều tra, bài viết, phóng sự “chỉ tận tay, day tận trán”. Còn tôi cứ luẩn quẩn mãi ý nghĩ chênh nhau 30% kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Bồ Đào Nha mà mình nghe hôm trước. Tôi nghĩ đến lời phàn nàn của ông Trần Kim Trung, Lãnh sự danh dự Bồ Đào Nha tại Việt Nam, rằng nhiều thương gia Việt Nam làm ăn tại thị trường Bồ Đào Nha nhiều năm nay mà ông chưa tường lắm.

Chung chi 20-25%?

Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân lần đầu trả lời chất vấn. Ngó ông bình thản như khi ngồi vào chiếc tàu do một tư nhân táo gan chế tạo hồi nào… Cẩn thận, ông cho phát cuốn sách trắng cho các ĐBQH đọc trước, thế mà khi đăng đàn, vẫn dồn dập hơn 40 câu hỏi ùa đến. Bây giờ mới biết 2% GDP mà nước mình dành việc chi dùng nghiên cứu khoa học của Bộ ông là 23 ngàn tỷ đồng gì đó. Nhưng Bộ đâu có được dùng hết mà phải trích lập Quỹ dự phòng gì đó còn 1,5%. Thế mà có kẻ lăm le bấu xấu? Về thực trạng đáng buồn này, ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn: “Có đơn vị thuộc cơ quan Bộ KH&CN đòi trích 20-50% kinh phí, Bộ trưởng có nghe thấy thông tin này và nếu có thì đã có biện pháp gì để xử lý tiêu cực chưa?”.

Về thông tin “đòi trích lại một phần kinh phí”, ông Quân nói rằng, đến thời điểm này chưa nhận được ý kiến phản ánh nào về những trường hợp như vậy. Nếu nhận được thông tin với đầy đủ chứng cứ, sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cố tình có hành vi tham nhũng như vậy.

Giờ giải lao, một ĐBQH Thanh Hóa cho rằng, khó thể nói Bộ trưởng KH&CN không biết điều đó, vì nhiều năm nay, thực trạng đáng buồn ấy lẻ tẻ xuất hiện nơi này chỗ khác. Nhiều vị tư lệnh đã chống chế, thậm chí cứng cỏi ngay tại Hội trường trong nhiều phiên chất vấn rằng, về hiện tượng tiêu cực này khác xảy ra trong địa hạt của ngành, bộ sẵn sàng tiếp nhận những thông tin cụ thể, vụ việc cụ thể để xử lý ngay lập tức. Có vẻ như bộ đang sẵn sàng làm thay chức năng của công an, viện kiểm sát? Rất may chỉ có vài ý kiến lẻ tẻ rằng, nghiên cứu khoa học là cách kiếm tiền dễ dàng. ĐBQH Trần Du Lịch nói rằng, nhiều khi người ta biến tờ giấy trắng thành mớ giấy lộn.

Một anh ký giả thầm thì với tôi là sẽ đến gặp ngay ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng để “tăm” cho ra cái anh cán bộ khoa học nào mà dám bấu xấu chung chi ấy. Tôi cũng không quên chia sẻ với bạn đồng nghiệp rằng nên gặp cả Bộ trưởng Nguyễn Quân để viết rõ hơn về không khí buổi chiều hôm nay mà ông đã làm các ĐBQH đồng cảm, đồng tình khi biểu lộ sự nhất trí ủng hộ phương án xây dựng một thị trường khoa học - công nghệ đang hết sức mới và “hot” ở xứ mình sắp tới. Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đồng cảm, “lý ra ta phải có cái chợ (thị trường) ấy mười năm trước rồi!”.

Nhiều vị tư lệnh đã chống chế, thậm chí cứng cỏi ngay tại Hội trường trong nhiều phiên chất vấn rằng, về hiện tượng tiêu cực này khác xảy ra trong địa hạt của ngành, bộ sẵn sàng tiếp nhận những thông tin cụ thể, vụ việc cụ thể để xử lý ngay lập tức. Có vẻ như bộ đang sẵn sàng làm thay chức năng của công an, viện kiểm sát?

MỚI - NÓNG