Trưởng thôn 44 lần hiến máu kể kỷ niệm cứu đồng đội trong quân ngũ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau lần đầu tiên hiến máu cứu đồng đội trong quân ngũ năm 1987, đến nay, ông Chờ đã có tổng cộng 44 lần hiến máu tình nguyện.

Sáng sớm 15/1, hơn 800 người dân và cán bộ, công nhân, đoàn viên thanh niên... trên địa bàn huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) đã tụ về Trung tâm Chính trị huyện này tham gia chương trình Chủ nhật Đỏ lần thứ XIV năm 2022.

Trưởng thôn 44 lần hiến máu kể kỷ niệm cứu đồng đội trong quân ngũ ảnh 1

Ông Nguyễn Tấn Chờ chuẩn bị sữa cho người hiến máu

Tất bật bê khay sữa trao tận tay từng người đang ngồi chờ làm thủ tục, ông Nguyễn Tấn Chờ (SN 1967), Trưởng thôn Tiến Thịnh (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) phấn khởi: “Trong lúc chờ đợi, tôi phụ chị em làm công tác hậu cần tí cho khuây khỏa”.

Trưởng thôn 44 lần hiến máu kể kỷ niệm cứu đồng đội trong quân ngũ ảnh 2

Ông Nguyễn Tấn Chờ hỗ trợ tiếp sữa, nước cho người dân tới hiến máu

Đến nay, ông Chờ đã có 44 lần hiến máu. Lần đầu hiến vào năm 1987, lúc đó, ông đang trong quân ngũ, có một đồng đội bị thiếu máu, nhóm máu AB, cần truyền máu gấp. Sau khi khám và xét nghiệm, trong đơn vị không ai có cùng nhóm máu, may chỉ có ông Chờ và một người nữa người nhóm máu O có thể cho máu.

Trưởng thôn 44 lần hiến máu kể kỷ niệm cứu đồng đội trong quân ngũ ảnh 3

Người dân khám sàng lọc trước khi hiến máu

“Khi xét nghiệm đồng chí nhóm máu O có ký sinh trùng sốt rét nên không cho máu được. Biết mình đủ điều kiện sức khỏe, tôi sẵn sàng hiến máu ngay để cứu đồng đội”, ông Chờ nhớ lại.

Từ đó về sau, hễ năm nào có chương trình phát động, ông đều đăng ký tham gia. “Lúc đầu, gia đình khá lo lắng cho sức khỏe của tôi, nhưng sau những lần hiến máu về cơ thể vẫn khỏe mạnh, bình thường nên mọi người càng ủng hộ. Thậm chí vợ và 3 người con tôi cùng đăng ký tham gia hiến máu. Đối với bản thân tôi, thương người như thể thương thân, bởi thế hiến máu tình nguyện là việc làm mang ý nghĩa sâu sắc, giúp cứu sống được nhiều người trong lúc hoạn nạn, nguy cấp”.

Vợ chồng tranh thủ đi hiến máu trước giờ lên rẫy

Trưởng thôn 44 lần hiến máu kể kỷ niệm cứu đồng đội trong quân ngũ ảnh 4

Vợ chồng anh Trần Quốc Văn hiến máu tại Chủ nhật Đỏ

6 giờ sáng, anh Trần Quốc Văn (SN 1985) cùng vợ là chị Bành Thị Thanh Tâm xuất phát từ xã Ea Kpam lên trung tâm huyện để tham gia hiến máu. Anh Văn cho biết, bản thân có khoảng 13 lần hiến máu, còn vợ anh trên 10 lần. Sau khi hiến xong, anh hồ hởi cho biết giờ hai vợ chồng vừa tranh thủ ngày nghỉ vào rẫy cắt cành cho vườn cà phê.

Trưởng thôn 44 lần hiến máu kể kỷ niệm cứu đồng đội trong quân ngũ ảnh 5

Vợ chồng anh Nguyễn Xuân Tú luôn tích cực trong hiến máu tình nguyện

Đã có trên 20 lần hiến máu, anh Nguyễn Xuân Tú (SN 1979, đang làm việc tại UBND xã Ea Kpam) nhớ nhất lần hiến tiểu cầu ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Lúc ấy, qua theo dõi trang mạng xã hội facebook, anh biết thông tin cần tiểu cầu gấp cho một bệnh nhân ở Buôn Đôn nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nặng. Anh Tú không ngần ngại gọi taxi lên bệnh viện. Ngày hôm đó, các bác sĩ xét nghiệm gần 30 người, duy nhất anh Tú có chỉ số tiểu cầu cao nên hiến được, nhờ vậy người bệnh được cứu sống.

Trưởng thôn 44 lần hiến máu kể kỷ niệm cứu đồng đội trong quân ngũ ảnh 6

Thừa ủy quyền của lãnh đạo báo, nhà báo Tuấn Nguyễn (thứ 2, từ trái qua), Thư ký tòa soạn Văn phòng đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, trao kỷ niệm chương cho đại diện lãnh đạo huyện Cư M'gar.

Không chỉ nhiệt tình tham gia hiến máu, anh Tú còn vận động, động viên vợ mình là chị Nguyễn Thị Lệ Hoa (giáo viên) tham gia hiến cùng. Đến nay chị đã hiến được 5 lần. “Chừng nào mình còn sức khỏe sẽ cố gắng tham gia hiến nhiều hơn nữa, cũng coi như một dịp kiểm tra sức khỏe. Chỉ mong những giọt máu của mình có thể cứu sống được nhiều người”, anh Tú tâm niệm.

Trưởng thôn 44 lần hiến máu kể kỷ niệm cứu đồng đội trong quân ngũ ảnh 7

Chị Hương Giang có trên 15 lần hiến máu

Cùng chồng đi hiến máu tại chương trình, chị Trần Thị Hương Giang (SN 1986) chia sẻ có trên 15 lần hiến máu. Chồng chị đã hiến được 4 lần. “Lúc đầu chồng thấy tôi đi hiến máu nhiều cũng muốn đi cùng nhưng chưa được tự tin. Năm 2019 tôi động viên anh đi thử cho biết cảm giác thế nào”, chị nói. Sau lần hiến máu đầu, anh hăng hái tham gia mỗi khi có đợt phát động hiến máu.

Năm 2020, mẹ chồng vào thành phố Hồ Chí Minh mổ tim cần máu gấp, 2 vợ chồng chị Giang đã xuống bệnh viện để hiến máu cho bà. “Hiến máu là việc làm rất ý nghĩa và nhân văn. Những lúc nguy cấp cần máu, ta mới hiểu giọt máu quý giá dường nào. Vì thế, có đủ sức khỏe, điều kiện, vợ chồng tôi cùng đăng ký tham gia hiến”, chị Giang chia sẻ.

Bà Lê Thị Ngân Thảo, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Cư M’gar cho biết, đợt hiến máu lần này, trên 1.000 người tham gia, được khám sàng lọc trước dưới cơ sở để đảm bảo công tác phòng chống, dịch và hiến máu đạt hiệu quả.

Khi lên đây, khoảng 800 người khám sàng lọc thêm một lần nữa. Theo bà Thảo, ngoài Ban chỉ đạo hỗ trợ tiền cho người tham gia hiến máu, còn có bếp ăn tình thương của huyện hỗ trợ sữa nước, câu lạc bộ thư pháp tình nguyện của huyện dành tặng những bức thư pháp cho các tình nguyện viên hiến máu.

Trưởng thôn 44 lần hiến máu kể kỷ niệm cứu đồng đội trong quân ngũ ảnh 8

Câu lạc bộ thư pháp của huyện Cư M'gar tặng thư pháp cho tình nguyện viên hiến máu

Theo bà Thảo, phong trào hiến máu trên địa bàn huyện được người dân hưởng ứng rất cao. Nhiều người lớn tuổi vẫn nhiệt tình tham gia. Tuy nhiên, đợt này toàn huyện đang tiêm mũi 3 vắc xin phòng chống COVID-19 nên gặp một phần khó khăn trong hoàn thành chỉ tiêu hiến máu đề ra.

Trưởng thôn 44 lần hiến máu kể kỷ niệm cứu đồng đội trong quân ngũ ảnh 9

Đoàn thanh niên hỗ trợ công tác hậu cần

Theo ban tổ chức, chương trình Chủ nhật Đỏ tại huyện Cư M’gar ngày 15/1 đã tiếp nhận được 644 đơn vị máu. Đây là điểm thứ 3 trong chuỗi 6 điểm Chủ nhật Đỏ tại Tây Nguyên. Các điểm còn lại lần lượt gồm huyện Ea Kar (16/1); huyện Krông Búk (18/1); Công an tỉnh Đắk Lắk (19/1).

Trưởng thôn 44 lần hiến máu kể kỷ niệm cứu đồng đội trong quân ngũ ảnh 10

Thanh niên tình nguyện tặng đường cho người hiến máu

Chương trình Chủ nhật Đỏ năm 2022 tại Tây Nguyên do báo Tiền Phong phối hợp UBATGT quốc gia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cùng Ban vận động hiến máu nhân đạo tỉnh Đắk Lắk và một số đơn vị tổ chức.

Chương trình dự kiến tiếp nhận từ 2.500-3.000 đơn vị máu. Lượng máu tiếp nhận sẽ được chuyển cho Viện huyết học và truyền máu Trung ương 1.000 đơn vị, còn lại sẽ dự trữ tại tỉnh phục vụ cứu người, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

MỚI - NÓNG